Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

LẦN THEO DẤU CHÂN NGƯỜI XƯA! (tt 13)


SĨ PHU LÀNG HƯNG NHƠN ( VĨNH HƯNG)



(Không ngoài việc tôn vinh sĩ phu làng Hưng Nhơn- Xin mạn phép được sao các trích dẫn, đưa  hình bia mộ- Lăng của các Ngài vào minh họa cho loạt bài này, chân thành cảm ơn, mong được chỉ giáo!)


 Ngài TRẦN VĂN LÝ   (TIÊN CHỈ LÀNG HƯNG NHƠN )
Ông Nguyễn Thanh Xuân có kể:
”Đến năm 1945, người có tên tuổi hơn cả là Tiên chỉ làng ta Trần Văn Lý, nghe đâu ông làm Tổng đốc ba tỉnh ở Nam kỳ.Tôi chưa biết mặt. Năm bà mẹ ông mất (mụ Thừa), đưa thi hài bà từ trong Nam ra, các chức sắc và dân làng lên rước từ trên đường quốc lộ 1, chắc ông có về. Lúc đó tôi chưa ý thức là cần phải biết nên không chú ý tìm. Thế là sau này không có dịp nào nữa…
Không rỏ là ông Trần Văn Lý làm Tổng đốc sao lại còn “ăn ruộng” ở làng với vị trí tiên chỉ ?”


Lăng tổ họ Trần- Trùng tu 2011
Trích gia phả tộc Trần làng Hưng Nhơn (Trần văn Doanh)
Trần Văn Lý( đời thứ 15) là con trai cả của ông Trần Văn Tự( đời thứ 14- sinh 1880); Chưa rỏ năm sinh của ông  xét theo ngày sinh của cha 1880, mẹ 1885 và em gái thứ ( Trần Thị Kính sinh 1912) thì ông có thể sinh khoảng những năm đầu thế kỷ thứ 20; Chưa rỏ ông học ở đâu ( trường hậu bổ Huế hay sau này là trường pháp chính Đông Dương?...)
Nhà thơ Tản Đà đã cố thi vào trường Hậu bổ hai lần nhưng hỏng thi :

Mỗi năm Hậu-bổ một lần thi

Năm ngoái, năm xưa tớ cũng đi

Cử, tú, ấm-sinh vài chục kẻ



Tây, Ta, Quốc-ngữ bốn năm kỳ

Đĩa nghiên, lọ mực, bìa bao sách

Thước kẻ, đanh ghim, ngọn bút chì

Lại đến O-ran là bước khó

Mình ơi, ta bảo: "có thi thì..."
Tiên chỉ là ngườichức vị cao nhất về mặt tế lễ, hương ẩm ở trong dân làng, Hội đồng kỳ dịch thường là các hương hào danh tiếng có phẩm hàm, học thức, hoặc là hưu quan trong xã. Điều kiện vào hội đồng không nhất định mà tùy theo hương ước của làng. Có làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo "thiên tước" tức là ai cao tuổi nhất thì là tiên chỉ. Có làng xét theo "nhân tước" và ai đỗ cao nhất hay có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu tiên chỉ.Có thể do trước năm 1945 ông ngồi chức Tuần Vũ Hà Tĩnh (theo nhật ký Đỗ Mậu-VN máu lữa quê hương tôi):
Tháng 2 năm 1947, quân Pháp chiếm Huế và cử Cụ Trần Văn Lý làm Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Chính Lâm Thời Trung Bộ. Cụ Trần Văn Lý nguyên là Tuần Vũ Hà Tĩnh….
...Trong ăm 1947 Cụ Trần Văn Lý dẫn đầu 1 phái đoàn qua Hồng Kông bệ kiến Vua Bảo Đại và đệ trình lá cờ quẻ CÀN thay cho lá cờ quẻ LY. Vua Bảo Đại chấp thuận. Từ giờ phút đó lá cờ vàng ba sọc đỏ trở thành lá Quốc Kỳ của Việt Nam…
...Tôi đi Hà Tĩnh liên lạc với ông Trần Văn Lý đang làm Tuần vũ tại đây, đến Quy Nhơn gặp bác sĩ Lê Khắc Quyến, đến Phan Thiết gặp ông Trần Tiêu, một người đồng hương đang giữ chức Kinh lịch, v.v…Sau ngày ông Diệm bị bắt hụt và được Nhật che chở mang đi mất vào Sài Gòn, viên chánh sở mật thám Trung Kỳ Perroche, vốn cụt một tay và nổi tiếng tàn ác, bắt đầu nghi ngờ có nhân viên chìm của ông Diệm trong sở mật thám Huế, bèn yêu cầu với trung ương cho biệt phái ông Lombert, viên chánh sở mật thám Vinh vốn thông thạo về tình hình đảng phái và nhân sự Việt Nam, vào Huế và thành lập một ủy ban đặc nhiệm phụ trách điều tra “vụ án Ngô Đình Diệm”. Ông Hoàng Đồng Tiếu, (hiện ngụ tại Portland, tiểu bang Oregon), lúc bấy giờ còn đang có cảm tình với cá nhân ông Diệm và đang làm phán sứ tại sở mật thám Huế, tuy có thông báo sự kiện này cho một số người trong tổ chức ông Diệm biết, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng một số chiến hữu lần lượt bị sa lưới mật thám Pháp.Trước hết là cụ Án Sát Phan Thúc Ngô bị lột chức và bắt giải vào giam ở Huế, rồi đến ông Tuần vũ Hà Tĩnh Trần Văn Lý suýt bị bắt nhưng nhờ có bà vợ là bà con gần với Nam Phương Hoàng Hậu nên chỉ bị hạ tầng công tác, thuyên chuyển vào Phú Yên và vĩnh viễn không được đề nghị thăng thưởng.......

...Ông Trần Văn Lý, quê ở Quảng Trị, có bà con với giám mục Lê Hữu Từ, là một vị quan nổi tiếng liêm chính. (Khi ông làm Thủ hiến Trung Việt, người em ruột của ông là Trần Văn Trình , chủ sự phòng Nội dịch, ngày chủ nhật lấy xe Chính phủ về sử dụng riêng bị ông cất chức ngay, đối với các linh mục hay đến xin xỏ, nhờ cậy, ông thẳng thắn từ chối). Ông Lý là người thanh liêm, cương trực, có tinh thần yêu nước và có khả năng quản trị nên được Chính phủ Trần Trọng Kim mời giữ chức Tổng đốc cai trị 4 miền cực Nam Trung Việt như là một thứ Tiểu Khâm Sai. Chức vị của ông lúc bấy giờ là “Tổng đốc Lâm-Đồng-Bình-Ninh” (bốn tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, và Ninh Thuận), và vì lúc bấy giờ phương tiện giao thông và hệ thống liên lạc còn khó khăn cách trở nên ông được đại diện chính phủ toàn quyền giải quyết cấp thời công việc quốc gia.Mùa Hè 1944, Mật thám Pháp khám phá ra tổ chức Đại Việt Phục Hưng của Diệm, gồm khoảng 50 đảng viên tích cực, kể cả một số giáo sĩ; nằm ngay trong đội lính khố xanh (Garde indochinoise),cảnh sát v..v... Một trong những lãnh tụ là Trần Văn Lý, Tuần vũ Hà-tĩnh. cũng cho cải tổ những chính phủ "Tề" tại miền Bắc và miền Trung. Ngày 19/5/1947, Y sĩ Trương Đình Tri—nguyên Bộ trưởng Y tế trong chính phủ Liên Hiệp 2/3/1946 của Hồ—được cử làm Chủ tịch Hội Đồng An Dân Bắc Việt. Tại miền Trung, Trần Văn Lý cầm đầu Chủ tịch Ủy ban Chấp Chính Lâm Thời Trung Kỳ. Nguyễn Khoa Toàn, Tỉnh trưởng Thừa Thiên từ năm 1946, nắm Chủ tịch Hội đồng Thẩm nghị [Tư vấn] Trung Kỳ. Tại miền Trung, VNQDĐ và Đại Việt tái xây dựng tại vùng Tề. Tổ chức Đại Việt Phục Hưng của Diệm cũng hoạt động trở lại. Do Nguyễn Khoa Toàn đề xướng, Trần Văn Lý và Trần Thanh Đạt lập nên Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp làm cánh tay chính trị.Riêng Diệm, qua đường giây Giám mục Thục, bí mật tổ chức một nhóm thân Mỹ và chống Cộng. Tại miền Bắc, Diệm có những thân hữu cũ như Trần Trung Dung, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Đình Thuần, v.. v... Tại miền Trung, Trần Văn Lý thành lập Đảng Xã Hội Công Giáo. Tại miền Nam, Diệm được sự yểm trợ của Nguyễn Phước Hậu, Bertin, Nguyễn Bửu, Trần Tử Hoàng…
Tháng 6/1948, Trần Văn Lý chính thức thành lập Đảng Xã Hội Công Giáo, do Thục bảo trợ. Diệm được coi như lãnh tụ tối cao của đảng này....
.......
Phía bắc sông Mỹ Chánh hướng lên Trầm có dãy đồi mang tên Trần Văn Lý (Nghe nói đất ấy của ông và được trồng rất nhiều thông?). Ký ức của một số vị cao niên trong làng về đám tang mẹ Ông:
Cậu Lê Văn Huề ( sinh 1936):
Tau nhớ to và đông lắm , lần đầu tiên mới thấy...Trống kèn, lính... Tau chạy lăng quăn cùng bọn con nít, chen lấn vô thì bị ông Trình ( em ông Lý) quất mấy roi thật đau vào vai, đau lắm...Nhớ mãi đến bây giờ!
Bác Lê Ngọc Thuyên (sinh 1933):
 Ôi dào, to nhất từ xưa đến nay, từ làng trên xóm dưới đều ra đón, họ giàu lắm đám xong, họ biếu tất cả nhà trong làng rất nhiều bánh tét, giò chả...
( Còn tiếp)











2 nhận xét:

  1. Thưa cụ Thanh Xuân và bác Quốc.
    Bài viết có nêu: Chưa rỏ cụ Trần Văn Lý học ở đâu (trường Hậu bổ Huế hay sau này là trường Pháp chính Đông Dương?...)
    Khi tình cờ nghe người lớn kể rồi đọc một tư liệu nói rất ít về trường Hậu bổ Huế, cháu mạo muội trích góp thêm ý kiến nhỏ, nếu không hợp lý xin bỏ qua cho.
    - Trường Hậu bổ Huế được thành lập vào năm 1911 để bổ túc kiến thức cho sỉ tử nhà Nguyễn đã đỗ cử nhân nhưng phải học thêm 3 năm về phép hành chính, trường giải thể năm 1917 và thay thế bằng Trường Pháp chính Đông Dương. Có một, hai cụ học Khoá Hậu bổ sau cùng quê tại Xã Phong Hoà huyện Phong Điền, Huyện Triệu Phong. Tại Huế cũng có nhiều cụ hơn, có cụ rất thọ ở An Cựu thân sinh của 1 giáo sư trường Quốc Học Huế mất cách đây chừng hơn 15 năm.
    Xét về năm sinh người em gái của cụ và một số thông tin truyền khẩu thì có thể tạm suy đoán cụ Trần Văn Lý hình như không học trường Hậu Bổ.
    Xin phép được ghi một vài ý, có gì sơ suất vui lòng bỏ qua cho cháu. Kính mong được đọc những bài viết của cụ Thanh Xuân và quý vị để biết thêm về làng mình.
    Xin cám ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm và quan tâm chia sẻ! Mong được trao đổi thường xuyên với bạn, chân thành cảm ơn!
      Hẹn hồi âm.

      Xóa