Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Tiên chỉ làng Hưng Nhơn- Trần Văn Lý

Tiên chỉ thời hiện đại- Ảnh trên net
Bạn Hạnh Phúc gởi thư hỏi blogger:
- Xin Cám ơn cụ Nguyễn Thanh Xuân và bác chủ trang blog cung cấp, trao đổi thông tin liên quan về các nhân vật nỗi tiếng của làng như cụ Trần Văn Lý. Thế hệ như cháu chỉ được nghe lời kể của người lớn, đọc một vài tài liệu, nhật ký cũng không đầy đủ và sinh động lắm. - Rất thú vị, thực tình khi chưa đọc những lời kể này cháu nhìn nhận từ tiên chỉ đơn giãn hơn nhưng khi đọc cháu thấy có những thú vị phát sinh xin được lạm bàn. - Cháu băn khoăn khi đọc, tra cứu về định nghĩa tiên chỉ đối chiếu với việc hoặc xác định tiên chỉ. - Tiên chỉ là người có chức vị cao nhất về mặt tế lễ, hương ẩm ở trong dân làng.
Như vậy tiên được xác định bởi hương ước hay do dân làng vinh danh, hay theo quy định của bộ máy quản lý hành chính thời bấy giờ. - Xin bác vui lòng đề cập rỏ hơn về tiên chỉ. Thực tế ở làng mình thời bấy giờ công việc tiên chỉ thường làm những gì? Biết thêm những điều này sẽ rất bổ ích và thú vị. - Xin cám ơn cụ Thanh Xuân và bác .
....................
Là hậu bối, kiến thức hạn chế nhưng cũng cố gắng sao chép, lục tìm một số tư liệu về chức vị Tiên Chỉ.
1/ Trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính.
Thiên thứ nhì
Nói về phong tục hương đảng
..................
............12. Viên Chức
Viên chức là người có trách nhiệm, có quyền hạn trong làng. Đầu hết có một người Tiên Chỉ, một người thứ chỉ. Tiên, thứ chỉ là hạng hưu quan chí sĩ về làng, hoặc người khoa trưởng chức sắc, nếu không có khoa trưởng chức sắc, thì người cựu già có tuổi cũng được dự vào chân ấy....
2/ Tự điển tiếng Việt NXB Thanh Hoá- 1999 :
Tiên Chỉ: Người đứng đầu ngôi thứ trong làng thời phong kiến, làm chủ các cuộc tế lễ, hương ẩm. 
Ăn tiên chỉ: nghĩa là giử ngôi tiên chỉ.
3/ Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh- Hãn Mạn Từ (tức Phan Bội Châu) Hiệu đính.
Tiên Chỉ:(Xian1 zhi3)
先 址 Cơ nghiệp của tiền nhân
 先 祉: Phúc trạch của tiền nhân
4/ Hán Việt Từ Điển trích dẫn :http://www.hanviet.org/
[先紙] tiên chỉ
Người có chức vị danh vọng, đứng đầu một làng thời xưa
Có một tư liệu về chức vị Tiên Chỉ được bầu theo nhân tước:
http://langdaiphong.vnweblogs.com/print/21801/282212
... Xưa có giai thoại kể rằng: Ông nội ông Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Dinh (gốc ở huyện Quảng Ninh) nghèo lắm, vợ chết sớm, tìm đến làng Đại Phong với một đứa con trai mới 6 tuổi, được làng cho làm sai dịch ở đình làng. Mỗi khi có việc làng thì đun trà, rửa chén… Chẳng may do bệnh tật, đói rét mà chết. Làng cho trai đinh bó chiếu, chèo thuyền đưa lên núi chôn. Đến bến Kéc (chân núi An Mã) thì trời sập tối. Lúc trai đinh khiêng xác lên một đoạn thì nghe tiếng hổ gầm, sợ quá, khoét vội một chỗ lấp tạm, định bụng sáng mai lên chôn lại. Hôm sau chèo thuyền lên thì mối đã đùn thành gò lớn. Các bô lão cho là thiên táng nên để vậy. 
Ông cụ qua đời, để lại cậu con trai côi cút mới lên 8, mặt mũi rất khôi ngô dĩnh ngộ, nên được vị cố đạo Thiên Chúa ở xứ đạo Mỹ Phước cạnh làng Đại Phong nhận đem về nuôi cho ăn học. Cậu bé đó là cụ Ngô Đình Khả sau này đó.Sau này, cậu bé được cho ra Hà nội học, thi đậu tốt nghiệp trường thông ngôn Đông Pháp, được bổ làm thông phán tại tòa Thống sứ Bắc Kỳ tại Hà Nội (trường này giống học viện hành chánh bây giờ).
Theo thông lệ xưa, hể ai được nhà nước bảo hộ hay Nam triều bổ nhậm chức tước gì thì đều được nhà nước, thông tư về nguyên quán và ban hội tề làng phải tổ chức lên tỉnh rước sắc bằng về làng, nhằm làm tăng vinh dự cho người được bổ nhậm, thường gọi là “tư án quán”. Tại làng, người nào có phẩm hàm cao thì được làng cấp phần ruộng tốt giao cho thanh nhân canh tác.
Nhưng khi được nhà nước bảo hộ ở Hà Nội tư án quán, tòa công sứ và dinh tuần vũ tỉnh Quảng Bình báo cho làng Đại Phong lên tỉnh rước sắc bằng cụ Khả, thì ban hội tề làng này từ khước viện lý do làng Đại Phong không có ai tên là Ngô Đình Khả cả, bởi vì nếu nhận có, tất cụ Ngô Đình Khả sẽ là vị tiên chỉ của làng này (Nhân Tước), vì khi ấy trong này chỉ có những quan nhỏ cửu, bát phẩm mà thôi...
Do sự khước từ trên, cụ Ngô Đình Khả giận làng Đại Phong, sau đó cụ kết hôn với một thiếu nữ trâm anh ở làng Phú Cam gần kinh đô Huế và nhận làm công dân của làng này.
Sau này cụ Ngô Đình Khả chuyển cái ngạch Nam triều rồi lần lượt thăng tiến trên đường hoạn lộ, đến triều vua Thành Thái ngài thăng chức Thượng thơ bộ Học, Hiệp tá Đại học sĩ.
Dân làng Đại Phong lúc bấy giờ hối tiếc việc không thừa tiếp một công dân anh tài vẻ vang cho làng xóm, nên đã cùng nhau vào Huế xin tạ lỗi và thỉnh cầu được tiếp nhận cụ về làng, được cụ chấp thuận. Từ đó, cụ là công dân làng Đại Phong. Cụ đã góp công xây dựng ngôi đình làng Đợi to lớn và ngôi nhà thờ nguy nga hiện nay vẫn còn...
Có thể trường hợp cụ Trần Văn Lý ngồi chức tiên chỉ làng Hưng Nhơn ngày ấy cũng do lệ Nhân Tước chăng?


1 nhận xét:

  1. Kính thưa bác Quốc – Blogger.

    Những ý kiến lạm bàn về tiên chỉ đã khá lâu cháu nghĩ đã quên nhưng hôm nay bác vẫn tận tình nghiên cứu trả lời. Cháu quê ở hai bờ Ô lâu giang và biết khá nhiều nhân vật hiện thời ở làng quê bác. Nhưng ai là tiên chỉ cháu không quan tâm lắm. Thực tình cháu chỉ muốn hiểu biết sâu hơn, nhiều hơn về thực chất của vấn đề tiên chỉ một cách chuẩn xác, vì bàn luận cũng khá lý thú.
    Cho dù ở thời đại nào, khi làng quê có nhiều kẻ sĩ, nhiều người đỗ đạt, có chức tước, có học vị, có đạo đức, có tình người đều đáng trân trọng. Dân Quảng trị biết đến ông Lý cũng nhiều.
    Nhưng bác ơi, theo thiển ý của cháu việc ông Lý và ông Khả có tiên chỉ hay không, chọn tiên chỉ theo nhân tước hay thiên tước đều không ảnh hưởng gì cả vì các ông là quan lớn. (tiên chỉ với hàm thượng thư, tổng quản cấm thành, hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, hoặc thủ hiến trung phần với tiên chỉ).
    Tuy nhiên để so sánh trường hợp làm hay không làm tiên chỉ của 2 ông thì không thể căn cứ một sự kiện nhỏ của ông này để kết luận một sự kiện của ông khác. Vì:
    1/Để kết luận một vấn đề lịch sử cần thiết phải sử dụng phương pháp sử, không nên dùng tam đoạn luận.
    2.Điều kiện lịch sử, hoàn cảnh, địa lý, địa vị, thời đại, trình độ, đạo đức, phẩm tước, họ tộc, thời gian, thực tiển, điều kiện cụ thể… của 2 ông khác nhau.
    3. Bác có đề cập đoạn ”Khi được nhà nước bảo hộ ở Hà Nội tư án quán, tòa công sứ và dinh tuần vũ tỉnh Quảng Bình báo cho làng Đại Phong lên tỉnh rước sắc bằng cụ Khả, thì ban hội tề làng này từ khước viện lý do làng Đại Phong không có ai tên là Ngô Đình Khả cả, bởi vì nếu nhận có, tất cụ Ngô Đình Khả sẽ là vị tiên chỉ của làng này (Nhân Tước), vì khi ấy trong này chỉ có những quan nhỏ cửu, bát phẩm mà thôi...” Không biết bác đã cân nhắc đoạn văn trên trong điều kiện phù hợp chưa, nếu không sẽ dẫn đến oan sai cho các cụ thất, bát, cửu phẩm, hội tề,dân làng vì:
    a/ Thời bấy giờ nhà nước bảo hộ ở Hà Nội tư án quán, toà công sứ, dinh tuần vũ báo cho làng lên tỉnh rước sắc bằng, sắc phong thì các cụ “sướng rân” vui mừng, hân hạnh hoan hỷ đón nhận, vì đây là niềm vinh dự của làng và các cụ cũng không dám chống lệnh. Cháu thấy các cụ cửu, bát, thất, lục phẩm, cụ hương, cụ kiểm, cụ lý của nhiều làng đa phần rất hiểu biết, nho phong, lễ nghĩa, văn chương, độ lượng, quân tử, nhân từ, nhìn xa trông rộng lắm.
    b/ Có tư liệu viết rằng ông Khả nguyên quán huyện Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình sau dời về làng Đại Phong, huyện Lệ Thuỷ cùng tỉnh. Mặt khác suy nghĩ lại khi ông Khả làm quan thượng thư, cơ mật viện, tổng quản cấm thành, phó tướng cho ông Nguyễn Thân các cụ cũng ‘ngại’.
    c/ Khi làm Phó tướng cho Nguyễn Thân ra Bắc đánh dẹp nghĩa quân Cần Vương ở Vụ Quang, ông đã có động chạm đến mồ mã thi hài của ông Phan Đình Phùng.
    Cháu thích bác Quốc nên trao đổi cởi mở để tim hiểu và học hỏi. Khi đề cập các vấn đề liên quan đến sử, trong điều kiện có thể, cháu vẫn muốn trung thực, khách quan, có căn cứ khoa học.
    Có điều gì sơ suất mong bác lượng thứ cho. Cám ơn bác.
    HP

    Trả lờiXóa