Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Đá miếu Bà Giàng xóm Càng- Hưng Nhơn

Bài của Ôn Nguyễn Thanh Xuân (tuổi 83)

Từ thế kỉ 15 trở về sau, thông thường vài thôn hợp thành một xã, đôi khi thôn lớn là xã. Cư dân trong thôn thường có hai mối quan hệ: quan hệ láng giềng và quan hệ họ hàng. Thôn thường có hương ước, tín ngưỡng, thờ thành hoàngđình. Hiện nay trong hệ thống hành chính mới của Việt Nam, đơn vị cấp cuối cùng là . Những làng họp lại thành xã đều được gọi là thôn. Nhà nước Việt Nam ban hành trong phạm vi toàn quốc quy chế thôn, xem đó là điểm tụ cư dưới xã, có tính chất tự quản. Cư dân bầu ra trưởng thôn và một bộ phận giúp việc để điều hành công việc của thôn.

Bài sự tích “Bưng đá” ở làng Hưng nhơn do tác giả Hoàng Thị Ái Hoa sưu tầm và nghiên cứu.Theo tôi nên đổi đầu đề là truyền thuyết. bởi câu chuyện trên chủ yếu là nghe truyền miệng. Khoảng 14-15 tuổi tôi đã nghe kể Bà Giàng bưng Đá, người kể cười và ai cũng rúc rích. Còn chuyện thành đinh thì tôi không được nghe. Mấy câu hỏi cứ đặt ra trong đầu.






xóm Càng Hưng Nhơn


CÀNG HƯNG NHƠN

Năm 2001, lần đầu tiên tôi theo đoàn bô lão và dân làng ra Càng làm lễ giỗ Bà, được thấy rõ cả hai viên. Một là đá tự nhiên, một là “cái trống con” làm bằng chất liệu “đá” bột.

Theo tôi hai viên này không phải nguyên ở đây. Giữa vũng lầy mênh mông (tôi hình dung nơi đó như một đảo nhỏ giữa Thái bình dương của Hải lăng. Tại sao lại có đá mà chỉ có hai viên, một viên là đá tự nhiên, một viên là “một kiệt tác nhân tạo”. Nếu cho rằng những di tích Chàm để lại thì phải khẳng định “thành phố Chàm” bị chìm sâu (cần khai quật), sót một viên không chìm theo. Viên đá nhân tạo và viên đá tự nhiên ai có mặt trước, rằng viên đá nhân tạo do bà tạo ra nhằm rèn luyện và xác nhận thành đinh thì lại càng vô lý, bởi dân đinh thì ở trong làng mà tạo viên đá lại ở nơi xa xôi…phương tiện đi lại? Bà ấy nhờ vào kỷ thuật và chất liệu thế nào để làm ra viên đá ấy. Chuyện bà bưng đá là chuyện nói cho vui, lấy chuyện đàn bà tụt váy để…cười, như không tụt váy thì đất ta còn thêm nhiều nữa. Đó là chuyện của làng ta, còn chuyện của Mỹ Chánh thì khác, họ bị thiệt thòi là do quan…do vân vân. Giá sử nếu quan chia ranh giới và đồng ý cho làng ta bưng từ mốc tranh chấp đi xuống Mỹ Chánh, thì dại gì làng ta không lấy lực điền để bưng mà để cho một bà làm? Ta bằng lòng với truyền miệng cho ta viên đá lạ, cho ta một bà dũng cảm dám làm một việc “động trời”mà thời đó người đàn bà bị coi thường. Ai dám đọ sức với người phụ nữ hậu duệ Bà ở làng Hưng nhơn! Nào ?









Bây giờ chẳng có chuyện tranh chấp. Uống nước nhớ nguồn, ta thờ Bà (Ông) ở biên giới phía bắc địa đầu lãnh thổ nơi cô quạnh, heo hút, trăm ngàn khổ cực lưu truyền lại ngày nay. Thế là thoải mái và phấn khởi rồi.






NHÀ BIA TRƯỚC ÂM HỒN LÀNG HƯNG NHƠN

Để thiết thực tri ân và giữ nguyên di tích, cá nhân tôi xin đề nghị các vị chức sắc nên đưa viên trống đá ra Miếu bà, có thể được tu sửa miếu khang trang trang hơn. Tôi cũng tin rằng linh vật thiêng liêng đó không ai dám đánh cắp./.

Tháng 12 năm 2011

Nguyễn Thanh Xuân (tuổi 83)

Xóm Hạ làng Hưng nhơn

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Ô Lâu, dòng sông quê hương ! (2)


Dòng Ô Lâu cũ (ảnh của bác Nguyễn Văn Hiền)
Hòa Viện Văn Quỹ Hưng Nhơn
(Duyên nợ ba làng)
NguyễnThanh Xuân
     Nhân đọc bài của tác giả Lê Ngọc Quốc http// queme quangtrihưngnhon.blospot.com 2012/05 Ô Lâu dòng sông quê hương (đăng ngày 14-12-2012)

     Sông Ô lâu dài gần 70 km từ dải Trường Sơn về phá Tam Giang nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên Huế có sự xen kẻ giữa làng xóm bờ Bắc-bờ Nam:
    Làng Câu Nhi- Quảng Trị ở bờ Bắc có xóm Câu Nhi Hòa ở bờ Nam; làng Hòa Viện Thừa Thiên Huề có bốn xóm thì  hai xóm ở bờ Nam, hai xóm ở bờ Bắc; làng An Thơ Quảng Trị có ngôi miếu và một sổ ruộng ở bờ Nam.
     Hai đoạn ở Câu Nhi và An Thơ tôi chưa đề cập đến mà chỉ trình bày hiểu biết của mình về làng Hòa Viện- Hưng Nhơn- Văn Quỹ (trong bài “Tầm vóc làng Hưng Nhơn” – tập NHỚ LÀNG, tôi đã nêu lên và có lời xin tìm hiểu sau). Nhân đây tôi xin trình bày suy nghĩ của mình.

   Tôi có may mắn là cả ba làng tôi đều thuộc từng ngõ (Hưng Nhơn làng tôi rỏ rồi; làng Văn Quỹ lúc nhỏ học ở đó - đã nói trong bài “Ký ức về chuyện hai làng Văn Quỹ- Hưng Nhơn trong tập “NHỚ LÀNG”); làng Hòa Viện, quê ngoại tôi có bốn xóm rất cách trở nhau.(tên từng xóm tôi không nhớ) Để tiện nhận vị trí tôi gọi theo số thứ tự kèm theo đặc điểm: Xóm 1 có nhà thờ Công giáo, Đình làng nơi có nhà ngoại tôi ở, xóm 2 có ngôi chùa, nhà thờ họ Hồ và họ Trần, bến đò Mụ Tú hằng ngày tôi sang xóm 3 giáp chợ Ưu Điềm để đi học, còn xóm 4, từ cầu Mụ Tú bờ Nam xuống và giáp làng Vĩnh An. Ở đó tôi có Mụ O (xóm O Bộ, chồng O làm Hương Bộ) và chị gái sang lấy chồng.
Ô Lâu (ảnh bác Nguyễn Văn Hiền)
    Diện tích hai xóm 1-2 ở bờ Bắc tôi ước chừng như một TAM GIÁC ĐỀU, mỗi cạnh ~ 1000m; giới hạn (hiện nay) bởi cạnh 1 là con sông nhỏ Văn Quỹ - Hòa Viện ; cạnh 2 là con sông nhỏ chạy dọc làng Hưng nhơn và cạnh 3 là bờ sông Ô Lâu từ bến Ngã Ba làng Hưng Nhơn lên giáp cuối làng Văn Quỹ
     Tôi cho rằng cạnh 1, cạnh 2 là dòng sông Ô LÂU trước đây còn cạnh 3 là đào mới để nắn dòng. Trên nhận diện như thế,tôi nêu mấy cứ liệu:

    1, Những di tích cũ:
    Cả ba làng đều chung một mô tuýp cổ điển cấu trúc đền đài nhà cửa là hướng ra sông.
    Ta thử xem nhà dân từ sau xóm Đông An –Văn Qũy đến giáp đầu làng Hưng Nhơn (cả nhà thờ giáo xứ Văn Quỹ) đều hướng ra sông.
     Ở Hòa Viện có đình làng miếu (khuôn viên này rất sầm uất, nhiều cây cổ thụ tường bao chiếm một diện tích rộng). Hướng Đình làng, nhà thờ, miếu đều hướng ra sông; nhà thờ Công giáo cũng hướng ra sông và nhà dân cũng vậy.
     Ở Hưng Nhơn: Tất cả nhà thờ , nhà dân đều hướng ra sông
Cầu Mụ Tú (ảnh bác Nguyễn Văn Hiền)

    2, Những dấu hiệu mới
    Tôi cho rằng cạnh 3 là đào mới nên bờ sông xuất hiện lở bồi.

    Bợơc lở: Ở phía bờ Nam đoạn từ đầu xóm 4 bị nước xói lở và ở cuối xóm 2 gần giáp Hưng Nhơn cũng bị lở. Do đất mới đào, bờ của nó chưa được “thuần hóa” với cường độ và lưu lượng dòng chảy khi mà nước dâng cao (tức nước vỡ bờ).
    Bãi bồi: Đối diện với bên lở, xuất hiện hai bãi bồi (trước mặt họ Hồ và Họ Trần xóm 2 và trước mặt nhà của xóm 4).
    Xin nói thêm là đối với những con sông hình thành ngàn đời rất it1 có hiện tượng lở bồi.
Phác thảo sơ đồ nắn dòng Ô Lâu


     Tôi cho đây là công trình vĩ đại , xem ra cả nước ta ít nơi nào có chuyện nắn dòng sông lớn như Ô Lâu. Lợi ích thật lớn lao, trí tuệ của cha ông ta thật tuyệt vời. Bên cạnh đó cũng để lại những hệ lụy mà con cháu đời sau không hiểu sao lại như vậy. Ví như làng Hòa Viện lại 2 bờ Bắc -Nam và 3 xóm cách trở, một làng diện tích nhỏ mà phải có 3 nghĩa địa; xóm 1 không có bến nước Ô Lâu; xóm Hội-Văn Quỹ mất bên Ô Lâu; làng Hưng Nhơn có sông chảy ngược (chảy từ hướng đông lên hướng tây). Đáng ra Hưng Nhơn cả làng được trực tiếp với dòng sông Ô Lâu, nay chỉ  chưa tròn trăm mét, và chỉ một bến Ô Lâu (bến Ngã Ba) cả Làng dùng một bến.

    Qua nghiên cứu về sông Ô Lâu , nếu dòng chảy như trên thì có thể xác định làng Hưng Nhơn đến vùng đất này để lập làng trước làng An Thơ.
     Liên tưởng trong Ô Châu Cận Lục của Thượng Thư Dương Văn An công bố năm 1553 có ghi trường hợp Ngài Nguyễn Quận người làng An Thơ theo vua Lê Thánh Tông 1477  đi đánh Chiêm Thành và được phong đến chức Đô Tổng binh sứ đạo Quảng Nam.
     Làng An Thơ đã có thời đó thì Hưng Nhơn không thể đến năm 1558 mới theo Nguyễn Hoàng vào ven sông Ô Lâu lập làng.
    Vấn đề tồn nghi, đề nghị quý học giả có tư liệu tin cậy bổ sung , xin cám ơn.
NguyễnThanh Xuân
Email: nhuxuan29@gmail.com

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Mệ Tôi !

Trên sông Ô Lâu (ảnh Nguyễn Như Khoa)

Mai là ngày kỵ mệ nội; mới đó mà đã 20 năm mệ giã từ gia đình, con cháu ra đi về cõi vĩnh hằng…
Nghe kể… năm xưa, bên tả ngạn con sông Ô Lâu xinh đẹp, tại một ngôi làng nhỏ hiền hòa, ngôi làng mà hơn 500 năm trước, trong Ô châu cận lục của học giả Dương Văn An, tiến sĩ thời nhà Mạc có chép:
“Kẻ sĩ trung nghĩa (làng) Văn Quỹ thà chịu cắt tai chứ không theo giặc”
…ngày đó thấy tên làng nghe thật lạ, sau được các cụ giải nghĩa , sách xưa của cổ nhân có câu:

"Kim thiên hạ xa đồng Quỹ, thư đồng Văn"
Đình làng Văn Quỹ (ảnh chú Lê Đăng Mành)

Dịch nghĩa là: ngày nay trong thiên hạ, bánh xe cùng một trục, chữ viết cùng một loại chữ; ở đây chỉ sự thống nhất đoàn kết…cha ông ta ngày xưa thật thâm thúy!
Nhà thờ họ Nguyễn- Văn Quỹ (ảnh chú Lê Đăng Mành)
Làng Văn Quỹ- di tích Thượng miếu hạ mộ (ảnh chú Lê Đăng Mành)
 
Chùa làng Văn Quỹ (ảnh chú Lê Đăng Mành)

Trong gia đình nọ, có ba cô con gái, ngoài việc đồng áng phụ cha mẹ, khi nông nhàn các cô làm thêm nghề chằm nón…nón của làng Văn Quỹ nghe kể ngày ấy nức tiếng xa gần…một hôm trong khi các cô cùng bạn nữ trong xóm quây quần chằm nón, thì nghe tiếng chó sủa ngoài vườn sau, bà chị lớn nói:
-         Chuyện chi mà con Vàng sủa to rứa hè?
Cô hai đáp
-         Chắc chuột mèo chi đó nờ!
Vẫn nghe con Vàng sủa liên tục, cô chị lớn bảo:
-         Con út mi chạy ra sau nương xem chuyện chi rứa!
Cô út chạy ra, chập sau chạy vào
-         Có eng tê ở làng dưới đến bẫy cu cu sau nương.

Hôm sau, rồi nhiều hôm sau nữa, con Vàng vẫn hướng ra sau nương, sủa inh ỏi,  các cô bực lắm!
-         Eng nớ chắc có ý đồ, chớ mần chi có cu cu ở nương sau mà bẫy!
Chị lớn hỏi:
-         Ai rứa út ?
-         Dạ eng nớ ở xóm thượng làng dưới!

Cô bạn hàng xóm góp chuyện, các cô lao xao bàn tán.
-          Nghe nói eng nớ học mô trong trường Bá Công (Huế) về, chế tạo đủ thứ , xe đạp, tủ bàn, chế cả súng bắn to đùng đùng!
-         Hay ho chi, tháng trước tau nghe họ kể, hắn xuống đường bạng làng An Thơ bắn chim, bị làng nớ bắt phạt vạ đó!
- Nghe nói ba mạ eng nớ phải mang trầu cau xuống tạ lễ dưới đình An Thơ !
-         Đàn ôn, đàn ang chi mà suốt ngày chèo ghe câu đi khắp Mỹ Chánh, Phước Tích, Lương Điền, Phò Trạch, Ưu Điềm, Hội Kỳ, Vân Trình… câu cá, bẫy cu cu !
-         Con ni nói không đúng mô, tau nghe kể eng nớ tuy là con trai út trong nhà, đi học trong Huế về, nhưng mần ruộng, đạp nước đại giỏi đó!
Các cô bàn ra tán vào, ngoài nương thì con Vàng vẫn sủa miết, cô chị lớn bực lắm:
-         Thôi bọn mi lo mần việc đi, có ai ra đuổi hắn đi khôn?
-         Dị chưa, người ta đứng ngoài nương, nói bẫy chim, mắc mớ chi mà dám đuổi !
-         Dậy chớ, chó sủa miết, bọn mi bàn tán miết, khôn lo mầ việc thì mầm răng ?
Cô chị lớn gắt gỏng, nhìn qua góc nhà thấy cô em út không bàn tán cùng chị em bạn, miệng lại cười chúm chím.
-         Út, mi cười chi rứa, mi có kế chi hay khôn?
-         Dạ để em nghĩ kế cho!

….Đợi mãi vẫn không thấy cô út ra kế, hàng ngày con Vàng vẫn sủa vọng ra sau nương, trong nhà các cô thợ nón vẫn chộn rộn bàn tán…rồi cô út cũng đã ra tay, kế thật hay, hay thật !
Văn Quỹ nhìn về cổng làng Hưng Nhơn (ảnh chú Lê Đăng Mành)
Văn Quỹ- Hưng Nhơn (ảnh Nguyễn Như Khoa)

Chàng út xóm thượng làng dưới, nhờ người mang trầu cau đến dạm ngỏ, cô út từ biệt ba mạ, hai chị và bạn bè, bỏ lại tuổi thơ, xách nón về làm dâu nhà người !
Cô út về làng dưới một tay giúp chồng, trong nhà, ngoài nương, vun vén đủ đầy. Hai người có 7 người con, con trai thì hay lam hay làm, các cô con gái thì nhẹ nhàng xinh đẹp !
 Dành hết tình thương cho chồng cho con, sau này các cháu cũng được mệ lo lắng; các cháu trai đi lính, hàng đêm mệ khấn nguyện phật trời, xin ơn trên phò hộ cho bọn hắn tai qua nạn khỏi!

...ngày ấy, lâu về ghé thăm, bà mừng hỏi: 
- Răng lâu mới ghé, chừ đang mần chi con?
- Dạ bán vé số mệ ơi !
( giả đò chọc mệ chơi, vì mệ hay đưa tiền mua vé số dùm, hỏi già rồi trúng số mần chi, bà nói cho con cháu chớ mần chi! )
Nghe xong, không nói không rằng, bà quay lưng vào vách.

( bà té nên nằm một chỗ mấy năm liền)
Một lát sau nghe bà khóc rưng rức.
- Răng mà mệ khóc rứa?
- Có ăn có học, con dòng cháu giống (?) răng mà bán vé số, răng mà phải mần rứa con ơi, hu hu hu!
Chợt lạnh lòng...từ đó dặn lòng phải phấn đấu...!

Tối đó con gái mệ còn mang áo mới tới, bà mặc khen đẹp hè! ăn hết cái đầu vịt, món bà thích lắm, vậy mà sáng sớm hôm sau, bà ra đi thanh thản, nhẹ nhàng...!
Mới đó đã 20 năm, mệ bỏ con cháu, về với cõi khác...con nhớ mệ, mệ ơi!
Chiều về (ảnh Nguyễn Như Khoa)

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Tản mạn !

Ngày ấy lâu lắm rồi, nơi đồi hoang cát trắng, xứ sở có cái tên rất ư ấn tượng "Hắc Dịch" dưới một mái tranh nghèo, bà mẹ cùng đàn con (7 thằng !) lần hồi ngày tháng:

Mai khoai, trưa cơm, tối bắp (có khi là cháo)...có thằng định bỏ học, nhưng bà mẹ khuyên: khổ mấy thì khổ, nhưng má cũng ráng cho bây cái chữ, cố lên con ơi!

...Và...Hồi đó cũng nhờ “Ơn Đảng, ơn chánh phủ” việc học miễn phí, nên bà mẹ cũng nhẹ gánh! Rồi năm tháng cũng trôi qua, bọn chúng bước vào cuộc đời với hành trang là vài con chữ lộc cộc…bầm dập, cám dỗ, vấp ngã, gian nan…bọn chúng vẫn bước tới; nhiều thằng hơn 30 tuổi vẫn không chịu lấy vợ, bà mẹ hối thúc; có thằng nói vui: Con “Sống chiến đấu, học tập theo gương Ông cụ” độc thân, vui tính hihihi..:) liền bị mắng té tát : Ông Cụ là Thánh, còn bọn mày chỉ là Ngợm thôi con à! Lấy vợ đi, con cái là cái phúc của gia đình đó!
Lần lược bọn chúng cũng thành thân; cơm áo gạo tiền, mệt mõi nhưng về nhà thấy vợ cũng như mẹ ngày xưa: chợ búa, cơm nước, sổ sách chi thu mắm muối, con bịnh, chồng nhằn…đủ việc không tên, bổng dưng nhận ra: bọn chúng chẳng là cái đinh gì so với phụ nữ nhà mình! Không đủ tiêu chuẩn được phong : 
BÀ MẸ VN ANH HÙNG nhưng bọn nó thấy các BÀ MẸ NHÀ MÌNH MẠNH DZỬ ! …Chúc họ thật nhiều sức khỏe
 (p/s: Phụ nam ơi, cố lên! )

(ảnh chỉ mang tính minh họa; ngày đó nồi cơm của bọn hắn nhỏ hơn nhiều, độn thêm khoai, sắn...chớ nồi cơm trắng tinh, to vật vã như ri, lúc đó là tiểu tư sản rùi!)

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Ô LÂU DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG!


Ảnh Nguyễn Như Khoa 


Tuổi thơ tôi không có dòng sông cho riêng mình! Khói lửa chiến tranh làm gia đình tôi phải tha hương vào miền nam. Miền nam sông nước mênh mông, nhưng những con sông chứa đầy phù sa ấy hầu như không để lại gì trong ký ức tuổi thơ của tôi. Ngày bé tôi thường nghe mẹ kể nhiều về dòng sông quê hương( Ô Lâu);
về con Hói trước làng có nước chảy ngược dòng, về những tháng ngày mẹ cùng ôn Ngoại (Ôn cai Bảo) lên phường Hưng Nhơn- Hòa Viện, mua mun (1 loại tre lồ ô mỏng dùng làm vành nón) kết bè thả trên sông Ô Lâu, chống sào về làng ( tôi đã từng nằm mơ thấy được nằm trên bè cùng ôn Ngoại trôi trên sông, tay buông thõng ngập vào dòng nước mát rượi!). Mẹ nói mổi khi cần nước ăn, thì chống ghe ra giữa rào lấy. Những khi theo ghe lên Phường lấy củi, ghé bến Phò Trạch chở mạ gieo nhờ "ruộng trưa" về làng để cấy...Xuôi dòng Ô Lâu qua Vĩnh An, Vân Trình qua đập Cửu Lác vào phá Tam Giang mua mắm...Ba tôi kể ôn nội tôi (ôn cửu Kiến) với tài “sát cá” cùng một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” có mặt khắp các bến làng lân cận.

Lần đầu trở lại cố hương, bước xuống bến đò dọc Mĩ Chánh cảm giác chợt ngập tràn trong tôi: ôi chao  “ Con sông quê mình đẹp quá!” nước xanh trong vắt tận đáy (tôi về khoảng cuối thu) đò trôi xuôi dòng, hai bên làng mạc, bến nước, vườn, ruộng dường như thân quen tự thuở nào, đang dang tay đón đứa con tha hương trở về quê mẹ


...Kể từ ngày ấy tôi khát khao truy tìm dấu vết người xưa!...

*Con sông Ô Lâu bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua vùng Ô Sa, chảy qua Phước Tích đến Lương Điền thì chia làm hai: 1 nhánh chảy về Vân Trình ra phá Tam Giang, còn một nhánh chảy về Câu Nhi, Trung Đơn thì mang tên là Ô Giang, có chi lưu là Ô Khê tức khe Ô vậy. Bốn địa danh Ô Lâu, Ô Sa, Ô Giang và Ô Khê là di tích âm thanh hiếm hoi còn lại của Châu Ô mà Chiêm Thành đã dâng cho ta năm 1306...(Trích Đất Việt trời nam- Mục du xuân Thuận Hóa, trang 456).

Trong Ô Châu Cận Lục của tiến sĩ Dương Văn An ( 1555) do Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính, chú giải; Quyển 5- Mục Đền thờ Thần- Thần Thủy Tộc- Trang 103 chép:

“ Đền thờ thần thủy tộc ở gần sông Tam Kỳ(nơi giao giữa Ô Lâu- Ô Giang) thuộc hai xã Câu Nhi và Hà Lộ, huyện Hải Lăng...”


Trong Hoàng Việt Thống Nhất Dư Địa Chí- Thượng Thư Bộ Binh Lê Quang Định- Gia Long năm thứ 5 (1806); Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu: Quyển III- Mục đường trạm dinh Quảng Đức trực lệ kinh sư- Trang 109 chép:


“...Trạm hành cung Mĩ Xuyên bốn phía đều có dân cư đông đúc, thuộc Huyện Hương Trà Phủ Triệu Phong... sông Lương phước, sông rộng 88 tầm,bờ phía bắc giáp với đầu địa giới dinh Quảng Trị. Tục gọi là sông Độc ( hay Đôột, làng Phước Tích tục gọi làng Đôột Đôột- Sản xuất chum vò cho khắp vùng). Nước sâu 1 tầm, sông này một nữa thuộc dinh Quảng Đức (nay là TT Huế), một nữa thuộc dinh Quảng Trị. Đi ngược lên 13.444 tầm thì đến sở tuần củ nguồn Ô Lâu, xuôi xuống dưới 30.091 tầm thì chảy ra phá Tam Giang rồi đổ ra cửa Nhuyễn…”


Như vậy ngoài tên Ô Lâu con sông quê hương còn có tên Tam Kỳ (Ô Châu Cận Lục-1555), và
Lương Phước (HVTN dư địa chí-1806)./.

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Mạ- Chuyện nghìn năm vẫn kể!

Mua tặng vợ một món quà, vợ nói :
- Em cảm ơn chồng!
Lòng thấy vui vui.
Con học tốt, thưởng tiền cho con tự mua sắm, con reo lên:
- A! Thanks Ba nhiều nhiều!
Miệng cười nhìn con vui, lòng sung sướng !
Sáng nay về thăm mạ.
- Mạ khỏe không?
- Mấy hôm nay trở trời! đau nhức xương quá Tèo à!
-Con gởi mạ ít tiền mua thuốc uống.
- Má cảm ơn con nhiều!
Chợt thấy nao lòng, cảm giác khó tả ...Buồn...Ký ức bỗng ùa về hỗn độn, chen lấn...Ngày xưa, mỗi khi về mái nhà tranh nghèo của mạ, cầm những đồng tiền mạ chắt chiu dành dụm, nhịn ăn nhịn mặt, nhịn...Đưa cả cho con! Không nhớ lúc ấy mình có nói cảm ơn mạ nhiều không??? Mạ ơi, con phải cảm ơn mạ nhiều mới phải, cảm ơn mạ cho con cuộc sống này, cảm ơn mạ đã hy sinh, con phải cảm ơn mạ đã...mạ ơi!

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Làng quê xa! (23)

Bàn thờ Lục Tộc khai canh làng Hưng Nhơn

Một góp ý của Ôn Nguyễn Như Xuân!
Nhà thờ Lục Tộc làng Hưng Nhơn (photo Khoa)

Trích :VĂN TẾ ĐÔNG CHÍ
Duy, Việt Nam Quốc, Quảng Trị Tỉnh, Hải Lăng huyện, Hải Hoà xã, Hưng Nhơn thôn.
Tuế thứ: Nhâm Thìn niên,thập nhất nguyệt,sơ bát nhật.

Bổn thôn cung uỷ chánh tế Lục Tộc, Tộc trưởng, Hội chủ : ……... Đồng bổn thôn đẳng.

Ôn Xuân cùng bạn thơ làng Văn Quỹ , chú Lê Đăng Mành (photo Khoa)
Cẩn dĩ: Hương đăng hoa quả, trải bàn hào soạn thanh chước thứ phẩm chi nghi cảm trí tế vũ.

- Hiển thượng Thỉ tổ Khai canh Lê Quý Công huý Huy, sắc tặng Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần vị tiền.

- Hiển thượng Thỉ tổ Khai canh Nguyễn Quý Công huý Đỉnh, sắc tặng Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần vị tiền.

- Hiển thượng Thỉ tổ Khai canh Trần Quý Công huý Văn, Sắc tặng Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần vị tiền.

- Hiển thượng Thỉ tổ Khai canh Lê Quý công huý Đức, Sắc tặng Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần vị tiền.

- Hiển thượng Thỉ tổ Khai canh Nguyễn Quý Công huý Nhơn, Sắc tặng Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần vị tiền.

- Hiển thượng Thỉ tổ Khai canh Nguyễn Quý Công huý Lập, Sắc tặng Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần vị tiền.

- Hiển thượng Trọng tổ tùng Khai canh Nguyễn Quý Công huý Đương, Sắc tặng Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần vị tiền.

Ôi ! Lam hồng un đúc khí anh linh mại hãn đắp xây nền phú hậu canh tranh để mà sinh tồn lập nghiệp dành cho con cháu nền cố thổ đành quên vui trời nam nương náu.

Kính nhớ liệt vị Thỉ Tổ Khai canh, tùng Khai canh ta công đức gầy dựng đầu tiên sự nghiệp lưu truyền mai hậu.

Nhớ từ Hoan Châu tham quan xông pha nón gió tơi mưa hưởng ứng cuộc nam tiến của Chúa Nguyễn Hoàng dừng chân thuận trấn Hoá Châu, giải dầu ngày qua tháng lại khai phá đất hoang vu dựng thành xã hiệu. với thời gian bền lòng phấn đấu, vệ nông sông hói ngòi rạch khai thông, tín ngưỡng văn miếu, đình chùa miếu mạo, đến nay sinh tụ con cháu trên nghìn người, điền thổ bốn trăm sáu mươi linh mẫu. Công đức ấy muôn thuở còn ghi, cơ đồ đó muôn đời để dấu.

Nay nhân tiết Đông Chí, dương sinh mưởng tượng trong tinh thần như tại chút thảo hiền kính dâng lễ mọn., hoa quả, hương đăng, trai bàn hào soạn thứ phẩm chi nghi tất thành báo đáp ơn tày sơn hải.
Cúi xin soi xét giáng lâm che chở nhân dân an thái là nhờ liệt vị Thỉ tổ khai canh, tùng khai canh gia hộ.
Kỵ thập nhị tôn phái đồng lai phối hưởng.
Cẩn cáo !
Tế Đông Chí (photo Khoa)

.......
Làng Hưng Nhơn (photo Khoa)

Kính các vị Tộc trưởng cùng con dân trong làng.
Bài văn tế này đọc trong lễ Đông chí Nhâm thìn (2012) . Cũng chắc rằng theo bản của những năm trước để lại. Tôi xin có ý kiến :

Để phù hợp với các văn bản của các Họ đã sưu tầm thì năm tháng khai sinh ra làng không phải các Ngài từ đất Hoan Châu theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam 1558 mà trước đó khoảng 1490 đã có Họ Lê Văn tiền khai canh Làng..

Tôi đề nghị sửa câu này: Nhớ từ những năm 1490 các Ngài từ các tỉnh phía Bắc vào Nam lập nghiệp, đầu tiên dừng chân ở Câu Hoan (nay là xã Hải Thiện, Hải Lăng, Quảng Trị) sau đó dời vào nơi ta ở hiện nay. Trải qua giải dầu…..

Ý kiến thứ hai: Các Ngài thuộc Họ Võ vào lưu trú làng ta đã vài trăm năm nay. Các ngài và con em cùng chung sống hòa thuận. đã có dâu rể hầu khắp các gia đình trong làng. Năm 2002 đã xây nhà thờ Họ (khánh thành đã mời các vị tộc trưởng) Kính đề nghị nên bổ sung một câu như thế nào đó để thể hiện cho con em Họ Võ thấy mình cũng được sống chung trong cộng đồng. Nghe văn tế anh em trong họ Võ cảm thấy mình lạc lõng.

Thưa các vị Tộc Trưởng: Tôi cũng ý thức rằng thay đổi một chữ trong văn bản xưa là không nên. Nhưng xét về thông tin thì hồi xưa không bằng bây giờ, hơn nữa sẽ không thống nhất trong văn bản giữa các Họ và Làng (đằng nào cũng phải thay đổi ngày tháng khai canh : Họ Lê Văn hay là Làng).

Người đề nghị:
Con dân trong làng: Nguyễn Thanh Xuân
Địa chỉ: 487/2 đường Cổ Nhuế, Phường Cổ Nhuế 2

Quận Bắc Từ Liêm Thành phố HN
Ôn Xuân cùng photo Khoa

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

đình làng


19/09/2011 | 19:51

Đình làng

(Dân Việt) - Không biết có quốc gia nào trên thế giới giống nước ta: Mỗi làng cổ bao giờ cũng có một ngôi đình. Đình thờ thành hoàng, người có công lập ấp mở mang nghề nghiệp chăm lo cho dân, hoặc có công đánh giặc giữ nước.

Đình làng còn là cái "trụ sở" của thôn, là nơi để các cụ tiên chỉ và chức sắc của thôn bàn việc, xử các rắc rối trong thôn theo hương ước. Rồi việc làng còn có cả khoản... cỗ bàn đánh chén tại đình.
Thôn tôi dăm bảy chục hộ cũng có một cái đình. Đình làng tôi thờ tướng Bạch Sam - bộ tướng của Ông Gióng, có công đánh đuổi giặc Ân và được phong ấp, lập thôn...
Xét như vậy, đình làng (chứ không phải chùa) chính là cuốn sử làng. Có thể coi từ khi có Thành hoàng mới là có thôn ấp vậy.
Đến nhiều làng quê Việt, hầu như các làng cổ đều có đình. Những Thành hoàng được thờ trong đình cũng rất nhiều sắc thái công trạng, thông thường là tổ nghề: Nghề rèn đúc, nghề vàng nghề bạc, nghề tằm tơ canh cửi, nghề may, nghề chài lưới... Mỗi vị thần được thờ đều có ghi rõ công trạng ở ngọc phả được cất giữ cẩn thận trong hương án hậu đình cùng với sắc phong của các triều vua. Mỗi ông vua lên là một lần hạ sắc phong ghi nhận công quả các Thành hoàng như đời vua trước đã làm. Việc đó có nghĩa là khẳng định lại một giá trị và cũng là thêm một lần tôn vinh thành hoàng, vị thần cai quản thôn ấp đó.
Đó cũng chính là văn hiến quốc gia.
Đình nào thì mỗi năm cũng có hội đình, có ngày mở cửa đình cho dân làng sở tại dâng lễ thắp hương cúng tế. Trong văn tế có lời kể lại công đức của Đức thành hoàng và thông báo lễ vật dâng hàng năm.
Kháng chiến, có nơi tiêu thổ cả đình. Ở Bắc Ninh, một làng kia có đình bị phá trong đợt tiêu thổ rồi sau đó không được khơi dựng lại. Làng đó coi như đánh mất lịch sử làng.
Đình làng trong ký ức dân gian là vậy nên cộng đồng dân cư của làng đi làm ăn xa khi đủ vật lực thường đóng góp với nhau lập đình thờ vọng về quê để mong Thành hoàng tiếp tục che chở cho mình dù sống trên đất khác. Uống nước nhớ nguồn, tập quán dân gian đó thật đáng quý. Làng xóm bền vững thì quốc gia bền vững là như vậy.
Làng Hưng Nhơn nhìn từ làng Văn Quỷ (ảnh của chú Lê Đăng Mành)
Hưng Nhơn