Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

QUÊ HƯƠNG KHÓI LỬA ! (4)

copy trên net
Chiến tranh đã gây nhiều thảm cảnh cho quê hương, cướp đi bao sinh mạng, bao công trình cha ông ta vất vã gầy dựng; gia đình ly tan...Biết bao nổi đau do chiến tranh đem đến mà thời gian không thể nào bôi xóa được!

( Bài viết của ông Nguyễn Như Xuân)
...con lớn lên chủ yếu là mẹ con và mệ. còn ba rỏ ràng là ít khi bồng và chơi với con, cũng không thấy được thời gian con lật, con ngồi, con đi và bập bẹ nói...Hơn hai mươi năm, khi ba đi con mới bập bẹ nói, khi ba trở về, con cũng đã có con bập bẹ nói...
Nhớ về con
 
    Ngày giờ sinh con trong tập gia phả viết bằng chữ Hán:
Phiên âm: Nhâm Thìn niên, thất nguyệt, thập nhị nhật, tuất khắc. Dịch nghĩa: sinh lúc 20 giờ ngày 12 tháng 7 năm Nhâm Thìn ( 31- 8 -1952)  (*)
    Những ngày cuối hạ đầu thu nắng gắt, nóng như đổ lửa ban trưa người người đều đến dưới gốc cây, các lùm tre hóng gió và chờ cho đến khoảng ba giờ chiều mới ra đồng đi làm.
   Thế nhưng đến cuối tháng nhiều cơn mưa to, gió mạnh và lũ lụt ập đến. Ngoài đồng lúa còn xanh rờn, chỉ vài nơi bắt đầu chín, dân làng vội vã: chín gặt xanh gặt. Nhà ta ngập nền, trong cái hầm chữ A nước dâng cao phải nâng lên mấy lần mới có chỗ cho hai mẹ con nằm (nằm ngoài sợ chui vào không kịp khi có tiếng đề-pa của ca nông từ Mĩ chánh dội về).
Quê ta hồi đó “nằm bếp” phải nhiều than củi, tuy mệ đã chuẩn bị khá nhiều, lửa đốt suốt ngày nhưng không át được hơi ẩm của nước bao quanh. Ông nội thì loay hoay với cái hầm chữ A: bồi đất cho nắp hầm dày thêm, nào chiếu nào chăn phủ lên cho kín v.v...May cho hai mẹ con da thịt vẫn hồng hào, khỏe mạnh chẳng ốm đau gì. Có lẽ khi sinh con trời nắng gắt mọi người núp dưới lùm cây, với hai mẹ con  suốt mấy tháng đều núp trong hầm nên ông nội đặt tên con là thằng cu núp ( Nguyễn Như Núp)
     Ba thì ỷ vào ôn mệ và lấy lý do công tác xã mà chạy rông ít khi ở trong nhà lâu. Sau đó, ba bị bắt, tra tấn giam cầm nhưng nhanh chóng ba trốn về, tiếp tục ở chiến khu cho đến ngày hiệp định đình chiến (21-7-1954) phân chia hai miền Nam, Bắc do hai chính quyền quản lý, ba ra Bắc.
    Thế là tròn hai năm, con lớn lên chủ yếu là mẹ con và mệ. còn ba rỏ ràng là ít khi bồng và chơi với con cũng không thấy được thời gian con lật con ngồi con đi và bập bẹ nói..
   
    Làng ta, chỉ một mình ba có trong diện đi ra Bắc, thời gian chuẩn bị đi rất vội. Trong đầu ba không có suy nghĩ gì hết, chỉ biết: 
      + Đi hai năm
      + Hãnh diện
      Hai năm thì cũng đã xa nhà hai năm lên chiến khu Ba Lòng làm ở Ty thông tin tuyên truyền tỉnh Quảng trị, có gì đâu. Hoàn toàn không nghĩ gì. Giá như nghĩ rằng: mình không có ở nhà thì mẹ và vợ con sẽ sống khổ, biết vậy chắc ba không đi. Tuy được cưng chiều nhưng Ba cũng là tay ham làm ham học. Nghề gì cũng biết lại khéo tay, điệu nghệ. Làm ruộng, làm mộc, đan lát, lừ dẹp, làm khuôn, chằm nón v.v…Bác Lãm chấm điểm khắt khe lắm mà cũng rất bằng lòng còn ông nội thì chỉ khen không thấy chê lúc nào cả. Đến bây giờ ba cũng không nhớ trước khi đi ba có bồng con, nựng con và có dặn con ở nhà với mệ và mẹ cho ngoan không?. Một điều chắc chắn là ba không có đồng xu nào để lại. Không những thế, mệ và mẹ con sắm cho ba nhiều thứ đắt tiền trong đó có chiếc đồng hồ Printania oai lắm.
 
     Hơn hai mươi năm, khi ba đi con mới bập bẹ nói, khi ba trở về, con cũng đã có con bập bẹ nói. Hai bố con chịu trách nhiệm hai gia đình. Vui sum họp, còn mặt đời sống thì chẳng vui chi bởi không có đồng xu giúp đỡ. Nhiều người cũng như ba, là cán bộ theo bên chiến thắng, họ xin cho con cái việc này nọ còn ba thì không. Ba thật vô tích sự.
   Con hiểu ba, con biết tự lực. Ba cám ơn con.
 
    Vẫn ở lại miền Bắc công tác, mặc dầu phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn, ba vẫn tìm cách về, nhưng về rồi lại đi, chẳng giúp được gì cho gia đình con bớt khó khăn, tất cả nhờ sự xoay xở và chịu đựng của vợ chồng con. Cũng thật may, con có người vợ Ngô Thị Tuyết (Hạ) chất phác thật thà biết lo toan gánh vác cả gia đình ngày càng đông . Ba thực sự yên tâm và nể trọng.

    Năm 1980 nghĩa là năm năm sau ngày thống nhất con cõng cu Bi ra nơi ba đang công tác. Nơi đây cũng là địa phương gia đình dì Tâm, mẹ của các em con. Con về thăm hỏi các cậu mự dì chu đáo, không quên chuyển lời thăm hỏi của mẹ con đến từng gia đình. Có một câu con nói mà cả nhà rất hiểu con là: nếu không có dì Tâm thì làm sao ba con có được gia đình đầm ấm như bây giờ. Dì Tâm hết sức phấn khởi vui mừng. Con ra đây, con được biết dì Tâm là con út trong gia đình. Ông bà vừa qua đời năm trước (1978 và 1979). Ông khai bớt tuổi để được đi lính, anh cả thương binh loại I (chiến dịch Điện Biên Phủ) một anh nữa là cán bộ Nông trường 20/4, đang vào Nam chiến đấu. Trên dì Tâm còn ba chị gái lấy chồng ở làng. Tổng số cháu của ông bà lên đến 38 cháu. Con cười cười: chỉ có dì Tâm  4 em còn các cậu, dì thì 10; 9; 8 cả.
    Lễ thành hôn của Ba do Lâm trường tổ chức, có giấy chứng nhận kết hôn của UBHC xã Hương Bình. Con biết  càng tốt chứ việc này ba cẩn trọng.
  
    Lâm trường ba làm việc trên 1.300 CBCNVC rải ra hơn 30 đơn vị sản xuất trên địa bàn rừng rú rộng mênh mông, ba bận nhiều việc, tối đến cán bộ công nhân đến chơi phòng ba luôn (thường là vậy) những ngày này họ đến đông hơn, chủ yếu là được nghe con nói chuyện và tiếp họ. Thời gian đó Đội Văn nghệ đang tập các tiết mục để liên hoan mừng hoàn thành kế hoạch năm. Đến phòng tập con dạo mấy nhịp trống và vài bài hát, thế là các phòng bỏ việc chạy đến nghe và không ngớt lời ca ngợi. Ba thật sự tự hào. Trong bữa tiệc nhân dịp con ra thăm ba, Giám đốc Lâm trường trịnh trọng nâng cốc chúc mừng ba và con trai tài hoa và dè dặt đưa ra một yêu cầu con ở lại giúp đội văn nghệ giành giải nhất trong ngành về cho Lâm trường. Vỗ tay ầm cả phòng tiệc…
  
     Vợ chồng con ra Hà nội có lần cả anh Lê Hải đến thăm đem lai cho ba tình cảm gia đình và bạn hữu quê nhà làm vơi  đi nỗi cô quạnh nơi đất khách quê người.
 
     Ở đâu đến đâu, con cũng thể hiện một nếp ứng xử tao nhã mà nổi trội như anh Lê Diễn khóc con trong điếu văn “Cuộc đời đâu phải là sân khấu rối/ Nhưng chú luôn muốn làm kẻ chủ trò/Có mặt nơi nơi và giữa lòng người” Thật thế, trình độ có hạn nhưng giữa đám đông bạn bè (có người học vấn cao hơn, chức tước cao hơn), người ta dễ nhận ra cái hoạt bát, cái sôi nổi thêm vào cách diễn đạt lưu loát trôi chảy và có sức thu hút lòng người. Mặc cho cái túi khô cháy nhưng nào ai biết mình đang khổ vì nó…hễ có đông bạn bè ngồi lại (ở Đà nẵng cũng như ở quê), tự nhiên vai “đạo diễn” khoác lên mình con và cái lạ là ai cũng xem như đó là một điều như “trời” đã định.
   
    Ở quê nhà bà con thương con từ bé và không quên kể chuyện: Mệ chỉ có đứa cháu trai và mẹ chỉ một con trai. Hai người lại siêng năng, cần mẫn thương bố đi vắng nên  có chi là dồn cho hắn. Hắn thiệt sướng đó. Hắn học cũng sáng dạ. Ba mừng nhất là con được tiếp tục học hết chương trình phổ thông, ba không ngờ con lại được may mắn đến vậy.
    Các bạn học thì tâm đắc cả đời, không khi nào vắng nhau trong các công việc hệ trọng như giỗ chạp hiếu hỷ. Trong lời điếu do Nguyễn Đức Sơn thay mặt đọc trong ngày vĩnh biệt con có câu : “Người thế ấy mà sao phận thế ấy” nói lên tấm lòng yêu thương và tiếc nuối bạn biết chừng nào ?
    
    Vào Đà nẵng đi với con, ba tự hỏi sao con quen nhiều thế: ông thầy tu, ông coi bói, chú bán hàng rong, cô bán bánh mì, bạn nghề nghiệp…hai bên nhìn nhau và cười thân thiện. Một hôm vào xem đá bóng ở sân Chi lăng, đang xem vụt đứng dậy, mặt phừng lên “ê, ê mả cha thằng xích lô, trọng tài thế à”, tay chỉ về phía sân, ngoảnh lại phân trần với ba, thằng trọng tài nầy là bạn con, trước đây nó đạp xích lô. Cười khoái lạ…
    Do hoàn cảnh, con tuy có cha nhưng như đứa trẻ mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè. Ở con có chí tự lực nhanh nhạy biết vươn lên kịp bạn, học hỏi có kiến thức có tình cảm, bắt kịp với trào lưu xã hội hiểu được lẽ đời nên đời sống tình cảm của con thật phong phú… Có những người bạn, người anh xem con như anh em ruột thịt, giúp đỡ con với tấm lòng rộng lượng, ưu ái : anh Lê Hải là một biểu tượng…Ba thấy phương châm sống của con rất hợp với ba: mình nghèo không phơi bày cái nghèo, mà tự mình lo liệu không kêu ca, phàn nàn, không khuất phục hay quỵ luỵ khi gặp khó khăn, trái lại còn ân cần và tận tình giúp người khác khi họ cần đến không phân biệt sang hèn… Bởi vậy ba yên tâm và mừng thầm trong bụng.
    Tính phóng khoáng của con rỏ nhất là ở cái dáng vui tươi trẻ trung và vô tư kể cả ở chổ đông người. Có lẽ vậy mà có những bạn gái tuy biết con có gia đình vẫn đem lòng yêu con.
  
    Trần Thị Thanh Tâm, một giáo viên mô phạm, con gái độc nhất của bà mẹ Huế lịch lãm rất mực thương con. Thanh Tâm vượt rào và con cũng nhảy qua sào, đên với nhau và có hai con mụ mẫm xinh đẹp. Số may với con là có Mệ ngoại mừng hai cháu, mẹ đẻ mừng có hai con trai gái. Có một sự trùng hợp như khuôn mẫu:  Trước đây Mệ và Mẹ chăm con, bây giờ lại Mệ và Mẹ chăm con của con. Trách nhiệm đè lên vai con vẫn là trách nhiệm. Tuy có nặng hơn nhưng bản tinh yêu đời và yêu người ở con luôn tươi mát trẻ trung.
 
     Huỳnh Thị Như Ý đến với con cũng như con đến với Huỳnh Thị Như Ý. Sau này ba mới hiểu: Chỉ một bức chân dung Nguyễn Kim Tuấn mà Như Ý treo ở vị trí trang trọng trên tường nhà Như Ý đã nói lên tất cả. Một bản tuyên ngôn về chồng vợ. Ý yêu con như một lẽ tự nhiên, không đòi hỏi con điều gì, Ý cũng không bắt con yêu Ý như Ý yêu con. Mặt khác nhờ sự đồng cảm của Ý mà con thấy ấm lòng những lúc buồn vui trong cuộc sống. Ba hiểu ra rằng không dễ ai cũng có những mối tình hồn nhiên và đích thực trong trẻo như vậy.Thực lòng ba tiếc là Ý và Con không để lại một đứa con. Lẻ loi, cô đơn, nhìn cảnh ấy mấy ai cầm được nước mắt, huống gì ba!
            Đúng sai tuỳ mỗi người cảm nhận. Phần ba cho đó là lẽ đời là cuộc sống hạnh phúc mà mỗi người đã tìm được cho mình.
   
 Phần con cái;
    Con đã dạy và truyền nghề cho các con (gia truyền) nắm được kĩ năng tinh xảo, vốn quí đó đảm bảo cuộc sống bền vững. Các con con hãnh diện nhận một cái quý hơn là có được người cha giàu tình cảm và trách nhiệm với người thân, bạn bè rồi tình cảm ấy các ông các bác các chú ưu ái cho chúng con mãi mãi trên đường đời.
     Cũng vì không gíúp được cho con về kinh tế mà cuộc sống của gia đình (kể cả các cháu) còn chưa được như mong muốn.Trong cái eo hẹp đó, các cháu cũng biết tự lực, ba tin rồi các cháu sẽ trưởng thành.
     Ba mừng nhất là cái tình của con đối với với quê hương, nội tộc…có công việc là luôn có mặt với tấm lòng thành kính. Với đại gia đình, con đều cùng chia sẻ buồn vui, dù gần dù xa không nghĩ đến tốn kém luôn là thân thích ruột rà. Về tang gia, không những con đi mà còn đưa cả vợ con đến thăm viếng. Chuyện chỉ cách mấy tháng đây thôi: Khi nghe tin chị Thu (chị em cô cậu) mất ở Pleiku, sau khi báo tin cho Ba, con đưa cả Như Ý lên thăm hỏi chia buồn. Vậy đó! Chưa dễ ai cũng có tâm như con. Có những đám tang mà “tầm” ba không vào cũng được nhưng con vẫn báo tin cho ba và dặn đừng vào, đã có con thay. 
   
     Làm lăng mộ cho mẹ con đẹp hiện đại. Ngày khánh thành lăng, giữa đông đủ bà con nội ngoại đến dâng hương, nhân đó có người hỏi ba: ông trăm tuổi về đây chứ? Ba thành thật trả lời: ưng nhất là hoả táng chia cho sáu con sáu nắm tro, nhưng khi ấy thì quyền chúng nó. Con vừa đi vừa nói (không nhìn ba) Mấy anh em tôi đã bàn rồi (có vợ chồng Bình, là em trai ở Hà nội vào đang đứng cạnh đó) Ba xuôi tay, ngồi vào áo quan vù về đây ngay. Cười khà khà …và có nơi mô đẹp hơn hơn đay, phải không bà con, cười hề hề…một tay chỉ xuống nền xi măng cạnh nơi yên nghĩ của mẹ nó một tay dìu ba sang: ba và con chụp với mẹ con một tấm ảnh Tấm ảnh ấy hiện nay trong album đề hàng chữ: “Không mừng nào hơn” Thế mà !
    Một tai nạn giao thông đã cướp con đi lúc 4h25 ngày                    27/8/2011 ( 28/7 Tân Mão)
    Ôi con! Con để lại ba người vợ, chín đứa con, mười cháu, năm người em ruột, một ông già tuổi 83.
           Lẽ nào?
           Lẽ nào con đi !
 Xoẹt ngang như tia chớp
          Gió Sông Hàn lang thang hồi hộp
          Một hồi chuông lạnh ngắt sầu bi

       Lẽ nào con đi !
       Con hứa điều gì…Con có nhớ?
       Ba biết rằng giờ đây khép rồi không mở nữa
       Tim Ba máu ứa
       Đau đớn thét gào, thương nhớ một trời quay.
              Tết Nhâm thìn – 2012
...............................................................................................................................................................
   (*)  Ngày tháng năm sinh, do nhiều hoàn cảnh mà ghi khác nhau.
    Trong CMT  ghi ngày sinh 23-7-1953 . Chẳng sao cả. (ba NTX)


**-----**-----**-----**-----**

    




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét