Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Làng quê xa! (20)

Xin được giới thiệu tập sách Ông Nguyễn Như Xuân viết về quê hương
NHỚ LÀNG (KÌ XVII )
  Kí ức vào đời
Hai lần bị bắt
Bị bắt lần thứ hai

  
     Một tháng đi bộ, nơi dừng chân, để chỉnh huấn là xã Nam Bình, Nam đàn, Nghệ An. Sau chỉnh huấn chúng tôi được về nghỉ ngơi tại xã Hưng Phú Hưng nguyên có nhà máy đường Sông La. Con đê 42 vỡ, nhân dân vô cùng cực khổ. Nhiều gia đình đi xin. Chúng tôi thỉ ngồi chơi. Tôi rủ Nguyễn Ngọc Tân (biệt động Huế) lên gặp cán bộ hỏi và được trả lời: các anh thuộc diện đợi cấp trên bố trí công tác. Ở đây chỉ bố trí việc cho lao động chân tay. Hai đứa bấm tay nhau, việc ấy chúng tôi làm có được không, ở rỗi buồn quá. Một anh bảo: các anh muốn làm phải viết đơn tự nguyện. Tự nguyện thì có chi mà không viết được. Thế là chúng tôi về đơn vị có tên là đại đôi 313 công trường nông giang bắc Nghệ An. Nhớ lại mới thấy mình “oai” là có đơn tự nguyện mới trở thành công nhân, bởi sau đó khoảng một tháng  đơn vị 313 rồi 314, 315, 316 v.v…những người trước đã làm ở Ty Thông tin tuyên truyền Quảng trị và nhiều cán bộ cấp tỉnh huyện, các anh chị em gánh vũ khí quân lương rồi những anh chị em vượt tuyến ra sau tập kết, ồ ạt vào làm công nhân mà không cần đơn tự nguyện.

     
     Những ngày hàn gắn đê 42 và xây cống Vũng Bùn (cách ba ra Đô lương) 13km chủ yếu là gánh đất, đập đá dăm để đúc ống cống. Tôi và Nguyễn Khánh Xuân (Văn quĩ) xuất sắc nhất. Đập đá dăm cỡ 2x2 cm, năng suất trên dưới 2 mét3/ngày.Định mức m3, có người chi đạt 0,4; 0,6 m3...
     Chúng tôi ở nhà dân, phong trào cải cách ruộng đất đang rầm rộ, tối  đi dự đấu tố địa chủ, tuy không biết gì cũng đi, nghe nông dân hô thì hô theo.
     Ở đơn vị 313 , tôi được mờì dự cuộc họp (với chức danh là cán bộ dạy bổ túc văn hoá).  Bí thư đảng : Phấn, Đại đội trưởng:Thiệp báo cáo về chỉ thị chấn chỉnh tổ chức trong cơ quan nhà nước song song với CCRĐ ở nông thôn của Liên khu uỷ Liên khu IV.
    Trong những ngày ấy, không khí bàn tán chuyện thành phần ở nông thôn, thành phần tiểu tư sản trong cơ quan inh ỏi cả lên.
     Tôi nói nhà ông Hợp nơi tôi ở, ông ấy nghèo thế mà địa chủ gì, qui thế là sai, bởi họ ăn cơm độn cà pháo đắng nghét, áo không có chiếc lành. Trong đơn vị xôn xao tổ X đưa quang gánh xuống bến ngâm để cho trôi ra giữa ao làm mất thì giờ “vàng ngọc”.Tôi cho rằng dân xuống bến giặt giũ, chao chọng rồi trôi, trôi ra thì vớt có gì mà quan trọng sinh ra to tiếng tranh cãi.
 
    Đêm 5-1955, có một cuộc họp toàn Đại đội đột xuất. Trời tối đen như mực, đến nơi thấy trên tấm băng nền đỏ:
"Chỉnh đốn Tổ chức. Kiên quyết đấu tranh chống những phần tử phản động" .
Chủ toạ, thư ký vào vị trí. Vài lời ngắn gọn, tiếng chủ toạ:
- Nguyễn Thanh Xuân lên bục, Nguyễn Thanh Xuân lên bục!nghe rỏ không?
Tôi bàng hoàng, chuyện gì vậy? Cả hội trường im phăng phắc. Tiếng chủ toạ lại vang lên:
"NTX lâu nay đội lốt một thầy dạy Bổ túc văn hoá đơn vị ta, dạy giỏi để gây cảm tình trong chúng ta nhưng bên trong hết sức phản động. Xin mời ai có oan thì lên đấu".
   
   Một chị to béo nặng nề bước lên. Chị ni thì sợ mình một phép và luôn có cảm tình (tôi nghỉ). Tôi lắng nghe chị nói gì?
Chị ấy nói:
-Ai đời dạy tui, ra bài hỏi: Vì sao không thở là chết. Câu ni dễ ợt, tui trả lời là do đế quốc phong kiến đè bẹp nên chết. Điểm 10 là cái chắc, rứa mà khi trả bài tui được điểm 1. Rứa là bao che cho đế quốc phong kiến, đúng là phản động(!?)
 Cánh tay khác giơ lên:
Thì ra O Hiền:
-Anh ta trang hoàng đám cưới của tui mà không tích cực!
Chủ toạ hét lên chỉnh đốn: 
-Không được gọi người bị đấu là anh!
Cô ta ờ ờ khi đã về chổ của mình và nói thêm:
-Còn nói tiếng Tây nữa.
Nhiều bạn thân với tôi, sợ liên luỵ và không có gì để nói, buộc lòng chạy loanh quanh bên ni hội trường qua bên tê hội trường và lẫm bẩm, nhắt :
-Có chi thì nói lên cho rồi, nói lên cho rồi!
 Hội trường lặng đi chốc lát, thằng R cúi mặt lấm lét đi lên không nhìn ai:
-Tui được NTX giao gác cổng để trong nhà kết nạp đảng. Đảng quốc quốc gì đó. Khi ai đến ngoài người đã dặn thì hú lên để trong trốn. Chủ toạ Bi thư Phấn nói:
-Nguyễn Thanh Xuân có nói gì không?
Tôi nói:
-Chuyện ra câu hỏi và cho điểm là đúng. Trang hoàng đám cưới và có khi nói tiếng Pháp cho vui cũng đúng, còn cho người gác để kết nạp là bịa.
Chủ toạ cắt ngang:
-Không được phép nói quần chúng đấu tranh là bịa. Sang bàn thư kí để ký tên.
Tôi không ký, bốn năm người bóp tay tôi ngoặc vào biên bản.
 Sáu bảy người, trước một ngọn đuốc, sau một ngọn đuốc dẫn tôi về nhà ông Hợp (nơi tôi ở) tịch thu toàn bộ những gì tôi có; trong đó có tấm hình mẹ tôi.Tấm hình mẹ tôi tách từ tấm căn cước trao cho tôi khi đi tập kết. Tôi xin mãi họ vẫn không cho. Còn lại cho tôi hai bộ áo quần và cái bàn chải đánh răng. Đêm đó tôi nằm, hai tay bị trói vào thành giường. Tiếp những đêm sau cũng trói như vậy. Cái may cho tôi là những người đi kiểm tra, vào chổ tôi nằm nói lớn:
-Để tau xem những múi buộc đã chặt chưa!
Rồi chuồi cho tôi mấy củ khoai khi thì vài trái chuối và nới dây trói có khi tháo hay buộc hờ. Tôi tin là họ thương tôi vì hầu hết là bạn là học trò bổ túc tôi dạy.
  
    Sau thời gian tù tội căng thẳng, họ không tìm ra điều gì như hôm đấu tố. Họ trả tôi trở lại làm việc như ban đầu với cơ chế giam lỏng (vẫn đi làm như công nhân). Thường xuyên có hai người giám sát. Đi đâu, kể cả đi vệ sinh cũng phải xin, họ ngúc mới được đi. Một hôm cả bí thư Phấn, đại đội trưởng Thiệp đến gặp tôi vừa an ủi, vừa thăm dò vừa trấn áp. Phần tôi tôi tự biết không có gì sai nên rất bình tĩnh tự tin, hơn nữa (tôi và Nguyễn Khánh Xuân) có danh sách bầu chiến sĩ thi đua (năng suất 2 m3 đá dăm/ngày)
    Tôi không có gì lo lắng sợ sệt, tôi nói:
-Xin các anh về đi, tôi biết các anh cũng chỉ là người nói theo. Các anh không nói theo là mất chức. Tôi không có gì để nói với các anh. Nếu còn sống các anh sẽ biết sai. Lúc đó ta gặp nhau vui vẽ.
      Đơn vị di chuyển nhiều nơi, đến đâu tôi cũng hỏi tìm người có sách để mượn đọc; Tôi ham đọc lắm, mượn được quyển nào là tôi nghiền ngẫm, có quyển giúp tôi nhớ đến hôm nay.
    Đến tháng 8-1956, một sự tình cờ (hay là chị ấy có chủ ý giúp tôi), ngồi nói chuyện với chị có tên là Sáu, (chị người Nam bộ hơn tôi khoảng mươi tuổi) đột ngột chị nói:
-Tôi thấy cậu ham học, thích đọc sách, có một lớp của nhà nước bổ túc văn hoá cho con em miền Nam, nếu học tốt sẽ đi học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà nội. Nhưng bây giờ phải kiểm tra văn hoá đã. Tôi mừng quá nhưng nghỉ : chị này không biết làm việc chi ở Nông trường mà biết rạch ròi chủ trương của nhà nước nhưng lại không biết mình đang bị quản thúc. Mình làm sao mà đi học được. Do dự một hồi:
-Chị ơi, nghe chị nói em thích quá, nhưng ai cho em đi.Không hiểu sao tôi xưng em với chị một cách gần gủi mà trước đây tôi chưa hề làm thế bao giờ. Chị cười, nét cười của chị làm tôi xúc động.
-Chị nói em nghe, chị là đảng uỷ viên của Đảng bộ Nông trường, trường hợp của em chị biết và đã có danh sách sửa sai, nhưng chưa có nghị quyết gửi về nên chưa được công khai. Chị nói với em thôi em chưa được cho ai biết. Có đi thi không, trình độ lớp 5 với cậu thì có gì mà lo. Cậu dạy giỏi học trò rất mê cậu.
Chị gọi tôi bằng cậu như em ruột chị vậy.Tôi có cảm tưởng thế. (1)
 -Chị ghi cho em đi thi, nếu được thi, em sẽ cố gắng.
Thế là thi đạt điểm ở Nông trường, rồi tôi và Khánh Xuân ra Hà nội thi lần nữa. Cả hai đều đỗ và được nhận vào học Bổ túc văn hoá, niên khoá 1956-1957 để có trình độ 7/10. Khi đỗ lớp 7 mới được thi vào hệ chính quy học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương.
                 
Niên khoá 1957-1958, năm sửa sai nên lấy lượng học sinh rất ít. 2.800 thí sinh dự tuyển mà chỉ tiêu lấy vào chưa đến 400. Riêng lớp bổ túc cho con em miền Nam là 150 học sinh chỉ đậu có 10  trong đó có Khánh Xuân và tôi.
     Đang học thì tháng giêng năm 1957 tôi có giấy mời về Khu 4 để dự lễ sửa sai cho những người bị nghi oan. Tôi đang học không về dự được. UBKCHC liên khu 4 gửi ra cho tôi quyết nghị sửa sai nhiều thư để tôi gửi bạn bè nhằm chứng tỏ lâu nay nhà nước không cho gửi. Quyết nghị ghi ngày 5-1-1957 có câu:
" Nay phục hồi danh dự công quyền và các quyền lợi chính trị kinh tế v.v.. cho ông Nguyễn Thanh Xuân"
một văn bản khác đề ngày 22-2-1957 có câu:
"Các thiệt thòi về kinh tế đồng chí kê khai và báo cáo cho cơ quan đang công tác xét và giải quyết. Thực chất là không được trả gì hết, bởi nơi thu giữ ở khu IV mà đơn vị tôi đang ở lại là trường đóng tại Hà nội. Ở trường có gì mà trả cho tôi. Tổ chức nhà trường thông cảm. Tấm ảnh mẹ tôi trao cho ngày đi tập kết cũng mất từ đó (những văn bản trích ghi trên hiện nay tôi còn giữ)./.
Email : nhuxuan29@gmail.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét