Những làng cổ có tên là "Kẻ"Trích trong: http://htx.dongtak.net/spip.php?article1998
Đầu làng Hưng Nhơn (Vĩnh Hưng)
Nghiên cứu địa danh các làng xã cổ xưa của người Việt, chúng ta thấy có một hiện tượng đặc biệt. Đó là tên nhiều làng có từ "kẻ". Thí dụ, ngay tại Hà Nội có Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo...Kẻ là người, Kẻ cũng là làng.
Ngôn ngữ Việt cổ có từ Kẻ mà ngày nay vẫn còn gây tranh cãi trong những người cầm bút. Thậm chí, có người từng lên án gay gắt việc dùng câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Theo quan điểm của những người này thì kẻ là một từ chỉ người với nội dung xấu, như kẻ cắp, kẻ cướp, kẻ gian, kẻ thù... Vậy thì không thể dùng cụm từ "kẻ trồng cây" mà phải dùng cụm từ "người trồng cây" mới đúng chăng!Thực ra, trong kho tàng ngôn ngữ Việt cổ, ông cha ta dùng hai từ kẻ và người không hề phân biệt. Có thể dẫn chứng hàng loạt thành ngữ, tục ngữ để minh chứng cho điều này. Thí dụ: kẻ trên người dưới; kẻ trước người sau; kẻ cười người khóc; kẻ tám lạng người nửa cân; kẻ vào người ra; kẻ ở người đi; kẻ giàu người nghèo... Trong tất cả những thành ngữ, tục ngữ đó, kẻ và người được đặt ngang nhau và nếu ta đem hoán vị giữa hai từ kẻ và người, ý nghĩa của thành ngữ, tục ngữ đó cũng không thay đổi. Vì vậy, chúng ta có thể yên tâm đặt một dấu "bằng" giữa kẻ và người (kẻ=người) mà không hề phải phân vân gì.
Nghiên cứu địa danh các làng xã cổ xưa của người Việt, chúng ta thấy có một hiện tượng đặc biệt. Đó là tên nhiều làng có từ "kẻ". Thí dụ, ngay tại Hà Nội có Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo... Có một điều chung nhất trong tất cả các làng mang tên kẻ này, đó đều là những làng cổ. Theo ý nghĩa của ngôn từ Việt cổ, có thể hiểu từ kẻ ở đây chỉ một cụm dân cư sống trên một địa bàn cụ thể. Thí dụ, Kẻ Noi = Người (ở làng) Noi; Kẻ Mọc = Người (ở làng) Mọc; Kẻ Bưởi = Người (ở làng) Bưởi... Để đơn giản, người ta hiểu: Kẻ Noi = làng Noi; Kẻ Mọc = làng Mọc; Kẻ Bưởi = làng Bưởi... Như vậy, ở đây kẻ được đồng nhất với làng.
Khi các triều đình phong kiến Trung Hoa sang xâm lược nước ta, để tiện lợi cho việc ghi chép vào giấy tờ, sách vở (theo chữ Hán), mỗi làng lại phải đặt một tên chữ (âm Hán - Việt). Khác với tên Nôm chỉ có một từ (không kể từ Kẻ đứng trước), tên chữ thường có ít nhất là hai từ. Như vậy, những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc, nhất thiết phải có hai tên, một tên Nôm (kèm Kẻ) và một tên chữ. Những làng ra đời trong thời kỳ phong kiến thường chỉ có tên chữ, không có tên nôm và không có Kẻ. Đó là tiêu chí để ta phân biệt những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc và những làng mới được thành lập sau này.
Trong việc đặt tên làng xã của Việt Nam, ta lại thấy có hiện tượng đặt tên làng theo tên dòng họ, như Nguyễn Xá, Hoàng Xá, Phan Xá, Bùi Xá... Xá là một từ Hán - Việt chỉ nơi cư trú: Nguyễn Xá là nơi cư trú của những người họ Nguyễn, Hoàng Xá là nơi cư trú của những người họ Hoàng... Trong những làng mang tên Xá như vậy cũng có những dòng họ khác sinh sống. Tuy nhiên, dòng họ mà làng mang tên dòng họ lớn nhất, có vị thế chủ đạo, có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần của cả làng. Từ nguồn gốc hình thành và tên gọi của nó, các làng mang tên Xá không thể ra đời trước thời điểm các triều đình phong kiến Trung Hoa sang đô hộ nước ta. Như vậy, trong hệ thống địa danh các làng cổ Việt Nam, những làng có Kẻ là những làng xuất hiện sớm nhất. Có thể coi đó là những địa bàn định cư, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời Hùng Vương dựng nước. Trong một cuốn địa chí văn hóa của xứ Thanh, làng có Kẻ chiếm 24%; làng không Kẻ chiếm 76% (trong đó bao gồm làng có Xá, làng do di dân lập ấp trong thời phong kiến, làng do đất phong và các trại khai hoang xưa, nay đã thành làng). Như vậy, với một vùng đất cổ như Thanh Hóa, có đến 24% số làng xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước.
Sự phân bố các làng Kẻ trên bản đồ Việt NamNhững vùng làng có tên Kẻ được tập trung vào ba trung tâm chính:
1. Trung tâm núi Hồng - sông Lam: Đây là một vùng có nhiều làng cổ có tên là Kẻ. Phạm vi những làng này nằm trong vùng đồng bằng và vùng ven chân núi phía nam Nghệ An, phía bắc Hà Tĩnh mà dày đặc nhất là vùng ven núi Hồng - sông Lam. Ở đây có những huyện mà số làng tên Kẻ chiếm đến 2/3 (tức hơn 60%) tổng số các làng, như huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) có nhiều làng Kẻ. Các di tích khảo cổ chủ yếu như Thạch Lạc, Làng Vạc, Quỳnh Văn nằm trong phạm vi vùng Kẻ này. Đi về phía nam, các làng Kẻ ít dần. Vùng Bình - Trị - Thiên cũng có Kẻ nhưng thưa thớt hơn. Phía nam đèo Hải Vân, các Kẻ còn thấy xuất hiện đến tận Quảng Nam, Quảng Ngãi
2. Trung tâm Đông Sơn (Thanh Hóa): Đây cũng là một vùng dày đặc các làng tên Kẻ. Phạm vi bao gồm các huyện nằm ven chân núi và vùng đồng bằng sông Mã, sông Chu như: Đông Sơn, Thiệu Yên, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hà Trung, Nông Cống. Các làng Kẻ làm thành một vệt liên tục từ Kẻ Don (Vĩnh Lộc) xuống Kẻ Đàng (Thiệu Yên). Các di tích khảo cổ chủ yếu của thời đại đồng thau như Đông Sơn, Thiệu Dương, Hoằng Hóa... nằm trong phạm vi khu vực này. Có một điều đặc biệt lý thú là toàn bộ huyện Nga Sơn không hề có một làng tên Kẻ nào (trong lúc đó, các huyện bên cạnh đều có làng Kẻ!). Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết Mai An Tiêm: vào thời vua Hùng, toàn bộ vùng này đang nằm sâu dưới biển, chỉ nhô lên một vài hòn đảo (Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang ở Nga Sơn theo truyền thuyết).
3. Trung tâm Việt Trì - Phong Châu: Đây là trung tâm của thời kỳ các vua Hùng. Những làng mang tên Kẻ ở đây phân bố ven theo chân núi Ba Vì, Tam Đảo và dọc theo châu thổ sông Hồng từ Phong Châu, Việt Trì xuống đến phạm vi thủ đô Hà Nội. Các huyện Phong Châu, Thanh Sơn, Sông Thao, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Lạc, Mê Linh (Vĩnh Phúc), Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm (Hà Nội) đều có nhiều làng Kẻ. Những làng có đền thờ các nhân vật thời Hùng Vương, những làng lưu truyền các truyền thuyết về các tướng tá thời Hùng, thường là những làng mang tên Kẻ. Những di chỉ khảo cổ chủ yếu như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun... nằm trong khu vực này. Đền Hùng ở cạnh một làng mang tên Kẻ: Kẻ Khống (Chu Hóa, Phong Châu); Cổ Loa là Kẻ Chủ; quê hương của người anh hùng Thánh Gióng là Kẻ Đổng (Phù Đổng, Gia Lâm). Toàn bộ vùng Kẻ ở khu vực này tạo thành một hình tam giác, lệch về góc đông nam. ở rìa của góc đông nam đó là vùng Trâu Sơn - Phả Lại, là nơi kẻ thù thường xâm phạm. Đó chính là bối cảnh của chiến trường Thánh Gióng đánh giặc Ân trong truyền thuyết. Vùng đất thủ đô Hà Nội cũng là một vùng đất cổ, trên đó dày đặc các làng có tên Kẻ như chúng tôi đã trích dẫn ở phần đầu. Có nhiều Kẻ ở ngoại thành, có những Kẻ bây giờ thuộc nội thành như Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ...
Ở phía nam Hà Nội vắng hẳn các làng tên Kẻ. Theo một số tài liệu nghiên cứu thì cách đây 3.000 năm, đường bờ biển ở vào khoảng Chương Mĩ, Thường Tín, nối đến thành phố Hải Dương ngày nay (lúc ấy, vùng núi đá vôi Nho Quan - Ninh Bình có phong cảnh như vịnh Hạ Long bây giờ). Cách đây 2.000 năm, đường bờ biển lùi xuống Ninh Bình, Nam Định. Như vậy thì vào thời Hùng Vương, vùng đất phía nam Hà Nội đang là bãi cát bồi ven biển, chưa được khai phá. Điều đó cắt nghĩa vì sao ở đây không có các làng tên Kẻ. Điều này cũng phù hợp với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung: đây là lãnh thổ đang "tranh chấp" giữa con người và thiên nhiên, chưa có những khu vực dân cư ổn định (các tên Chử Xá, Dạ Trạch là các tên Hán - Việt do đời sau đặt).
Kinh đô Văn Lang
Trong thư Hoài Nam Vương gửi Hán Vũ Đế (thế kĩ 2 trước Công nguyên) có ghi: "Nam Việt không phải là nơi ấp lý có thành quách. Họ ở trong khoảng khe suối, ở giữa rừng tre" (Hoài Nam Tử). Có thể thấy: ngay từ xưa, người Việt đã ở trong các làng có lũy tre dày đặc bao bọc (người Trung Hoa nhìn từ ngoài vào, không hiểu, cho là rừng tre). Tre là lũy để bảo vệ an toàn cho các Kẻ, chứ không cần phải thành quách. Với trình độ kĩ thuật quân sự xưa, chỉ có tên tre và mũi lao, mũi giáo bằng đồng thì lũy tre dày đặc bao quanh các Kẻ quả là kiên cố. Bên trong các Kẻ đó lại có các lũy tre phân chia từng gia đình thành từng ô nhỏ. Vì vậy, nếu kẻ thù đột nhập vào đây sẽ như lọt vào trận đồ bát quái, khó có thể tìm được lối ra và sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định: vào thời kỳ Hùng Vương, người Việt chưa có thành quách và cũng không có nhu cầu xây đắp thành. Ngay kinh đô Văn Lang của các vua Hùng có thể cũng chỉ là một Làng Lớn (Làng Cả - Kẻ Cả) mà thôi (các nhà khảo cổ cho rằng khu di tích Làng Cả - Việt Trì chính là kinh đô Văn Lang xưa).Thư trao đổi với bài viết trên
Tất nhiên, vào thời vua Hùng không phải chỉ có Kẻ. Kẻ chỉ ở đồng bằng và vùng đồi núi thấp. ở những vùng cao có các bản, mường. Ngay gần kinh đô Văn Lang cũng có rất nhiều bản, mường của người Mường, người Dao. Có thể nói: những kẻ, bản, mường đó là những tập hợp cư dân, những đơn vị cơ sở đầu tiên của thời kỳ Hùng Vương dựng nước.(Phan Duy Kha tổng hợp)
Ngày 02, Tháng Mười Một 2011 vào 17:38
http://quemequangtrihungnhon.blogspot.com/
Cám ơn bài viết đã cho tôi thêm nhiều tư liệu về từ tổ "Kẻ" trong tên các làng cổ, thế nhưng vùng đất Châu Ô, Châu lý của Chăm pa xưa, nay là Quảng Bình, Quảng Trị...Mới chính thức thuộc về Đại Việt từ thế kỷ 14 sau khi Huyền Trân công chúa về làm vợ vua Chăm pa. Trong Ô Châu Cận Lục của tiến sĩ Dương Văn An nhuận sắc-Tập thành năm 1555, ghi chép tất cả tên làng xã ở vùng đất này đều không thấy có làng nào có từ "Kẻ" nào cả.Thế nhưng ngày nay ở vùng này theo tôi biết thì có khá nhiều làng có tên nôm trong dân gian:
Kẻ Diên (Diên Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị)
Kẻ Lạng (Hải Sơn,Hải Lăng, Quảng Trị)
Kẻ Phù (Phong Bình, Huế)
Kẻ Độộc (Làng cổ Phước Tích, Huế)
Kẻ Trài (Đông Ba,Huế)
Kẻ Văn (Văn Quỷ,Hải Lăng, Quảng Trị)
Kẻ Vĩnh (Hải Hoà, Hải Lăng,Quảng Trị)...
Theo tìm hiểu của tôi Kẻ Văn, Kẻ Vĩnh có yếu tố công giáo do các cha truyền đạo dòng Tên đặt khoảng cuối thế kỷ 17, tương tự như làng Kẻ Sặt nổi tiếng ngoài Bắc mãi đến sau năm 1861 mới được đặt làm tên gọi cho xứ Họ của làng Tráng Liệt Bình...Quảng Nam vào thời các cha dòng tên như Đắc-Lộ....Cũng được gọi là Kẻ Chàm. Ngày nay ở Đà Nẵng có 1 giáo xứ tên Kẻ Sen được thành lập đầu thế kỷ 20 của một nhóm di dân công giáo miền Bắc vào...Một vài hiểu biết sơ sài, mong được chỉ dẫn!
Nguyên Phong- Lê Ngọc Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét