Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Ký ức xưa- Làng quê thương nhớ!


Vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương(Ảnh Google)
Bài của Ôn Nguyễn Thanh Xuân.


Ký ức thời thơ ấu
Hai lần đi đón

      Đi đón lần thứ nhất  
  Năm 1938 tôi đang học lớp ba (lớp 3 bây giờ) ở trường Tổng tại làng Văn Quỉ, năm cuối để thi lấy bằng sơ học yếu lược.
Một hôm thầy cho nghỉ học để tập nghi thức đi đón Hoàng đế. Tập đơn giản chỉ đứng thẳng hàng và xoay mặt tới trước, khi thẳng hàng rồi chỉ nghe bên phải quay thì quay qua phía tay phải thế là được. Sau đó tập hô một câu bằng tiếng Pháp Vi- vờ- lơ- rề- di- đăng- Bao- đai (Bảo đại). Thầy bảo Bao đai không được hô rỏ Bảo Đại,vì nó không ra tiếng Tây.Tan buổi tập, trên đường về chúng tôi cũng la to vi vơ,vi vơ bao đai. Về đến làng thấy có không khí khác thường: Ở đình làng các ông già và các bác Hương Lý cũng xì xào bàn tán làm hương án bài vị, phân công người đứng lạy người thắp hương, nến, đốt trầm. Cử mấy bác hô câu Hoàng đế vạn tuế. Đứng xem hồi lâu, thằng Ch cả gan nói các ông hô rứa là sai rồi mà phải hô Vi vơ lơ re di đăng Bao đai mới đúng. Thầy dạy chúng tôi rứa mà. Một ông xua tay đuổi chúng tôi về, bọn bay biết chi! Về đi, về đi.
   Sáng hôm sau, trên quốc lộ 1, phía bên này đường là học  trò chúng tôi , phía bên kia đường là hương án bài vị của phụ lão hương lý các làng. Chưa đến giờ , chúng tôi chạy sang xem. Trên hương án các cụ đặt các thứ như bàn thờ ở nhà: nào là bộ đèn lư hương, lò đốt trầm, nải chuối,lọ hoa. cau trầu và cả chén rượu chai rượu. Bốn cụ đứng hai bên áo rộng thùng thình, khoảng bảy tám người chầu chực phía sau. Cả một dảy dài cứ cách khoảng mươi bước là hương án bài vị làng khác, trên bàn cũng các thứ na ná như nhau . Mùi trầm bốc lên thơm ngào ngạt. Đã gần 9 giờ, nắng đã chiếu vào mặt. Nóng quá tôi mới cởi chiếc áo đen chưa tuột ra khỏi ống tay đã bị thầy Hồng tát một phát nẩy đom đóm.
    Có tiếng ồn ào từ phía Mĩ chánh. Nghiêm…Quay, chưa kịp ngảnh ra đã thấy hai chiếc xe nhỏ vù đến trên xe thoáng thấy có một người đàn ông và một người đàn bà. Chúng tôi cũng chưa kịp Vi vơ vi vơ thì xe đã để lại bụi tung mù trên đường. Nhìn sang phía hương án có cụ đầu còn chấm sát đất chưa kịp ngửng, văng vẳng còn nghe van to..e e, van toe…e ở dảy bên phía có hương án có các cụ già. Thầy trợ Phức, thầy giáo Hồng sắp xếp chúng tôi lại và bảo đó là vua Bảo Đại và Nam phương Hoàng hậu từ Kinh đô Huế ra Hà nội.
    Về đến nhà  mệt phờ, mẹ tôi hỏi có vui không. Buồn rầu tôi lí nhí: thầy bảo là vua và hoàng hậu ở Huế ra mà có thấy gì đâu? Chưa kịp hô vi vơ thì xe đã vù đi rồi. Tưởng mẹ tôi cũng không thích như tôi, không ngờ bà lại bảo đúng rồi: người dân là không được nhìn mặt vua, may quá không thì lũ lụt, mất mùa  có khi cả đau ốm nửa. Tôi lặng lẽ không hiểu sao lại như vậy và chỉ lẫm bẫm : “lần sau không đi nữa”


                 Lần thứ hai đi đón
Lể thoái vị của Vua Bảo Đại-1945 (ảnh Google)
    Sau cách mạng tháng 8 mấy hôm, tối ấy loa gọi toàn dân đêm nay lên tập trung tại đường quốc lộ để sáng mai đón đoàn đại biểu của cụ Hồ vào Huế. Ai không đi mất quyền lợi!
Đó là đêm 27-8-1945. Lớp trẻ chúng tôi nhất là học trò nhộn nhịp hẳn lên. Trăng vừa lên ngọn tre thì chúng tôi đã tề tựu đông đủ. (con gái, phụ nữ không thấy đi). Mặc bộ áo quần đẹp nhất mà mình có và mang theo cờ trống thanh la mõ… Đường quốc lộ 1 huyên náo lạ thường. Tiếng trống mõ thanh la tiếng gọi tiếng trả lời nhau i ới không khi nào lặng. Có đứa có sáng kiến chẻ đòn gánh gánh trống, chặt ngắn làm dùi. Thế là mỗi trống, thanh la có hai ba dùi đánh. Giành nhau đánh trống, không ra hồi không ra nhịp.Thằng Th để tau đánh kiểu trường Tổng: ba hồi, chín tiếng là tựu trường, tiếp đến 3 tiếng vào lớp, rồi 3 tiếng ra chơi. Thằng H láu táu : tau thích nhứt là 3 tiếng ra chơi, thằng P thì tau ghét nhứt là 3 tiếng vào lớp. Thì đứa mô chẳng rứa. Ồn ào cả đêm không đứa nào chợp mắt, một đêm vui chưa từng có.
    Trời chưa sáng mà đã có đứa đã mày mò xem lại lá cờ đỏ sao vàng làm vội hôm qua. (Giấy thì xé vở học, trắng càng tốt, giấy đã viết rồi cũng được. Củ nghệ giả lấy nước trộn với vôi làm màu đỏ, nghệ cắt khúc bôi vẽ thẳng lên giấy hình ngôi sao năm cánh màu vàng).
    Bảy giờ có lệnh xếp hàng, trên tay xoay xoay lá cờ hãnh diện. Chuẩn bị nghiêm ! nhìn thấy có đoàn người đi bộ:
- Không phải Đoàn, Đoàn sao không đi xe.
- Chính phủ cụ Hồ đang nghèo làm gì có xe. Tiếng thằng C giải thích
- Đúng, đúng! Chính phủ đang nghèo, mấy đứa hoạ theo.
Tiếng hô cụ Hồ muôn năm dội tới, chúng tôi hô theo và tôi kịp nhìn thấy đi trước hai người (mỗi bên một người) mặc áo quần cộc màu vàng thẩm, tay nắm chuôi kiếm đeo sát bên hông dài gần chấm đất, tiếp đến khoảng bảy tám người đi giữa mặc complê có ca vát đi dày đen, tay phải nắm lại giơ lên ngang trán bước từng bước oai vệ nghiêm nghị. Tuy vậy vẫn thấy ánh mắt họ sáng và như đang mỉm cười với dân chúng. Vừa nhìn họ tôi vẫn hô theo nhịp hô chung. Âm thanh cụ Hồ muôn năm vang vọng như không hề dứt. Có tiếng ai đó vang cao như reo : Chính phủ chào dân! Chính phủ chào dân..d…â…n   ân
- Mày có thấy cụ Hồ không, hình như người đi giữa
- Không có ảnh thì răng mà biết được, nghe nói cụ Hồ có râu, đây không ai có râu cả.
- Ai cũng được miễn là trong số người đó đại diện cụ Hồ
Thằng C lại đúng. Tôi nghỉ như hắn là người mà cán bộ cụ Hồ đã dạy từ trước.
    Đoàn vừa đi qua chúng tôi ào ra đường liền có tiếng ngăn lại. Ba chiếc ô tô con của Đoàn sáng choang đen nhánh chậm rải tiến lên…Cửa mở, đoàn lại tiếp tục lên đường.
    Ba bốn hôm sau, cán bộ Huyện về thông báo đó là đoàn do ông Trần Huy Liệu thay mặt lâm thời Chính phủ vào tước ấn kiếm vua Bảo Đại. Ông Bảo Đại trong buổi lễ thoái vị có câu rất hay: ”thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Ông Cù Huy Cận trong đoàn chính phủ vui vẻ: Hoan hô công dân Vĩnh Thuỵ.
     Tôi hỏi và cũng trả lời luôn là “ hôm nào Chính phủ ra tôi sẽ đi tiễn”./.
                Email: nhuxuan29@gmail.com/

2 nhận xét:

  1. "bổ xung nhằm tìm lại..."
    Xin góp một ý nhỏ: bổ SUNG chứ không phải bổ XUNG.

    Trả lờiXóa
  2. Chân thành cảm ơn những góp ý của anh Nguyễn Bá Văn, rất mong được nhiều sự quan tâm, mong! Lê Ngọc Quốc.

    Trả lờiXóa