Đường làng quê xưa |
Các ngành
nghề
Làng ta nghề
nông thuần tuý 100%. Nông nhàn làm các việc như đan thúng mủng sàng dần…vô
thiên khê hàng tre chủ yếu phục vụ cho nghề làm ruộng, nghĩa là tự cung tự cấp
không thu nhập thêm ngoài lúa, có nhà neo đơn phải bán lúa để mua, cũng tốn kém
lắm!
Có ba nghề tăng thu nhập là nghề bắt cá nghề
mộc và làm nón:
+ Nghề
bắt cá, tôm tép lươn ếch…nghề này chủ yếu ở ngõ trên của xóm thượng thường gọi
là “xóm cầu cừa” nhưng đến vụ cũng theo trưa ruộng.
+ Nghề làm thợ mộc. Do nhu cầu làm nhà gỗ,
nên nghề này cũng tăng dần.Tuy vậy số người làm mộc không nhiều: trong nhà tôi
có bố, bác Khảm, bác Lãm và tôi cũng học việc, các ông thợ Thỉu chú tôi, thợ
Thái, thợ Thiết, thợ Ngật,viên Khác,thợ Trử, thợ Thản… Chỉ chừng đó mà làm
được tất cả nhà thờ như đình Làng, nhà thờ các Họ và các nhà rường, nhà tạp
trong làng, không những làm ở trong làng, còn làm nhiều nơi nhất là nhà rường ở
Phước tích, vào làm và tu sửa nhà cửa trong các lăng tẩm của triều đình Huế. Có
người đi làm cả năm chỉ về mấy ngày mùa rồi vội vả đi tiếp.
Có thể nói có nhiều nghệ nhân tài ba: cả mộc
cả chạm và có trình độ quản lý bao quát những công trình lớn gồm xây la thành
trang trí, hoàn thiện.
copy net |
Nghề làm nón thịnh hành nhất là những năm
1944, 45, 46, 47. Những năm làm nón phiên.
Làm nón lúc này thực sự là nghề, có thu nhập giúp cho gia đinh nhất là ngày ba
tháng tám. Không khí làm nón phiên thật rộn ràng khẩn cấp (cứ phải đúng hẹn với
người thu mua) cho nên mệt mà vui đáo để. Dưới ngọn đèn “cà boong” ngồi vành
trong vành ngoài những bảy tám người và phải đến 11 giờ đêm mới nghĩ. Nghề nón
có nhiều công đoạn nên thu hút nhiều lao động không những người trong làng mà
còn cả những người làng khác. Mua lá nón (lá trắng, lá xanh) mua mung (lồ ô),
mua đoác…mấy loại này phải mua ở miền rừng về. Người làm khuôn nón đẹp nhất,
bền nhất phải nói đến chú Ngọc (nói ở trên). Như thế nào là khuôn nón đẹp. Vấn
đề này phải có một bài dài, dài…
Khi đã làm nón phiên, để
có năng suất cao (nghĩa là một người một tuần làm được mấy chiếc), một vấn đề
xuất hiện là chuyên môn hoá. Khác với trước là một người làm tất mấy công đoạn
như: Ra (chẻ) mung, phơi đạp lá, bóc lá, ủi lá, bắc vành, xây, chằm, nức,
kết…Bây giờ tuỳ từng gia đình mà thuê, làm cho hợp lý. Tôi thấy có hai thứ, hầu
hết gia đình nào không tự làm nữa mà mua lá khô ở chợ, đặt bắc vành. Trong nhà
cũng chuyên môn hoá, người chuyên bóc, ủi, lựa lá, người chuyên xây, người
chuyên chằm và người chuyên nức kết. Lại một chuyên nữa là người có khả năng
bắc vành thì bỏ hẳn làm nón chuyển sang chuyên bắc vành. Nhiều người bắc vành
(giỏi là phải đàn ông), nhưng nhanh nhất đẹp nhất phải là chú Nguyễn Đức Cược.
Bình quân là 25 bộ /ngày có ngày lên 28 bộ. Mỗi bộ 17 vành. Tính ra phải vót
buộc…17 x 25 = 435 cái vành cho tròn cho đều. Bình thường là 5 đến 6 bộ. Cũng
có người chạy đua bắt chước chú Cược nhưng cũng chỉ đạt được 13,14 thôi.
Tòi mò hỏi (bởi tôi cũng là tay làm khuôn,
bắc vành chằm nón thuộc loại “trên khá”) chú thủng thẳng trao đổi như bày vẻ
như truyền kinh nghiệm, xem ra chú chẳng sợ lộ bí mật về nghề. Để làm được mau
phải lo từ khi nhắm mua cây mung. Không nên mua một cây to để bắc vành cho cả
bộ. Cây to dùng những vành bên dưới, cây nhỏ giao lóng bắc vành trên. Ra vành
cũng nhắm cho từng cỡ, như là phân loại cho từng vành. Chạc đoác cũng rứa. Ít
nhất cũng có 3 loại, chạc to vấn vành dưới, vừa vành giữa, nhỏ mỏng vấn vành
trên. Nói thì không hết, làm nhiều và để ý
rồi thành quen thành nhanh. Chú cười hiền lành…
Ẹo rớ chuẩn bị mồi- ảnh photo Khoa |
Trời se lạnh, bên lẩu cá , gọi bạn tâm giao, vài chén rượu ấm tiêu dao... âu cũng là niềm ước ao của bao kẻ tha hương! |
Làng Hưng Nhơn làm ruộng
Làng Hưng Nhơn làm ruộng ai mà chẳng biết bởi nó
là vùng độc canh lúa nước, một làng thuần nông. Bài này tôi muốn
gửi tới các cháu sinh sau năm 1990.
Trước đó ít nhiều đã nếm
cái gian khổ của nghề nuôi sống chính của quê nhà.
Độ cao tương đối chênh lệch trên dưới
1m. (ruộng Cồn Mồ Kiềm với ruộng Cây Ngang). Còn độ cao tuyệt đối là
-8 đến -100. Có năm bị triều cường đe dọa.
Khoảng 1/10 diện tích làm một vụ.
Còn lại hai vụ. Hệ thống tưới tiêu làm thay đổi bộ mặt đồng ruộng.
Hiện nay hầu hết làm hai vụ, đặc biệt chất lượng không chênh nhau
lắm. Nếu trước đây phân mười bậc
(tốt, xấu) thì nay có thể bốn đến năm bậc. Lạm phép tôi phán đoán
thế, bởi tôi không am hiểu lắm.
Để nhớ:
Cái chung nhất: “ruộng sâu trâu nái”.
Đàn ông phải lo khâu nặng nhất là cày bừa, đàn bà lo cấy và làm
cỏ.
Đồng ruộng trôi nổi theo hai mùa lụt.
Tháng tư : tiểu mãn và lụt Thu Đông từ giữa tháng 8 đến cuối tháng
mười. Tuy hết lụt lội nhưng đồng ruộng mênh mông nước cho đến tháng chạp.
Vụ mùa bắt đầu tháng 11 (lên Trạch
Phổ, Mĩ Xuyên) thuê và gieo mạ. Tháng 12 ra đồng cày. Khi cày còn
ngập lưng trâu, cày phải cắm vè. Trời rét cắt da.
copy net |
Vụ trái bắt đầu từ sau tiểu mãn
(cũng lên Trạch Phổ, Mĩ Xuyên thuê và gieo mạ trước) Ăn mồng năm xong
ra cắm trại. Khi cày còn ngập lưng trâu. Cày cũng phải cằm vè.
Ta thử hình dung mỗi con trâu mộng
giỏi lắm cũng chỉ cày được ba sào (3) mà làng ta có 500 mẫu. Liệu
bao nhiêu trâu bao nhiêu ngày ?. Nếu tính cả bừa thì bình quân chỉ 2,
đến 2,5 sào. Mỗi mẫu mất 4 công trâu, vị chi 500 mẫu x 4 công = 2000.
một mùa cày cấy phải trên dưới một tháng. Tạm tính một tháng thì mỗi ngày trên đồng ruộng
có trên 70 trâu và người cày (2.000 / 30). Trâu hết hơi và người cũng
còn xương bọc da.
Người đi cấy, bốn giờ sáng đã ăn cơm, 5
giờ lên đường (trời còn tối om) lên nhổ mạ, khi đầy triêng (xâu khoảng
28 -30 nắm mạ) gánh từ Mĩ Xuyên, Trạch Phổ chạy ra đồng và cấy cho
xong số mạ đã nhổ. Có khi tối mịt mới xong. Cơm trưa thì tuỳ đó mà
có thể ăn trưa trước khi gánh mạ ra đồng cũng có trường hợp gánh mạ
ra đồng mới ghé tạm ngồi ăn bên dường ruộng. Bữa tối thì thường về
ăn cơm nhà.
Xong vụ cấy là tiếp đến làm cỏ. Vụ
mùa làm hai lần, vụ trài từ hai thường thì ba lần. Vụ trái tháng
sáu tháng bảy nắng như đổ lửa, các o các chị và cả các bà nữa
bán mặt cho đất bán lưng cho trời dùng hai bàn tay chai sạm quào bùn,
quào cỏ mồ hôi mồ kê ướt dầm quần áo suốt ngày này sang ngày khác.
Khổ là thế mà các bà sáng tác điệu hò, nghe mênh mang như gió
truyền mây gọi. Cả một giàn đồng ca dồn cho giọng hò Ô ( điệu hò
này thường hò trong khi làm cỏ. kéo dài kéo dài, xem chừng cũng vơi
đi nỗi nhọc nhằn đang oằn trên lưng họ. (làm cỏ lúa không hò “mái
nhì”). Điệu hò Ô hình như mất hẳn, bởi nó biết sẽ có cào cải tiến
và thuốc diệt cỏ thay thế.
Vụ trái (gọi là trái bởi nó bấp
bênh) dễ mất mùa mà lại tốn nhiều công sức nhất. Thiên nhiên chỉ cho
thời gian ba tháng rưởi (đầu tháng năm đến giữa tháng tám) mà giống
lúa (lúa Hẻo) những gần bốn tháng nên thường lúa chưa chín nước đã
nhấn chìm. Trong mùa đó có cấy loại lúa “Bát” cây cao, thân cứng,
gié lúa ít hột, màu đỏ hồng, năng suất thấp, ăn không ngon, tuy nó
chỉ cần một trăm ngày (3 tháng 10 ngày). Vì vậy, vạn bất dĩ phải cấy nơi ruộng sâu như Cây Ngang
chẳng hạn.
Cấy chưa xong, có ruộng đã khô nẻ. Ba
tháng treo chân giữa đồng đạp nước. Đạp ngày hết nước dưới hói lại
đạp đêm. Năm nào làng cũng phải huy động dân đào hói. Có năm nguồn
nước sông Ô lâu cũng cạn, hói trước làng ta nước chỉ chảy le re, lấy
đâu ra cho đồng ruộng!
Vụ gặt mùa thường có lụt tiểu mãn
và gặt vụ trái gặp lụt thu đông. Lụt thường kèm theo mưa. Cảnh này
không nói hết cái khổ. Bao nhiêu công sức vốn liếng bỏ vào, bây giờ
phải giành giật với thiên nhiên (lúa đang chìm), gặt về chất đống trên
nền sân đất (hầu hết chưa có sân gạch) có khi mọc mầm vẫn chưa chất lúa cho trâu đạp được. Bí quá phả
đạp chân để đỡ nóng ruột.
Thuận trời thì chất lúa cho trâu đạp,
tuỳ nhiều ít mà tính số trâu, một người dắt (điều khiển) đàn trâu,
một người túc trực khi trâu ị để hứng phân. Một số người chuẩn bị
mỏ xảy, xảy tách rơm lấy lúa, tiếp tục trâu đạp lần hai, xảy lấy
lúa lần hai, trâu đạp lần ba. Trâu nghỉ thường không trước 12giờ đêm. Ngày
mùa, mỗi đêm ngủ chừng vài tiếng.
Phơi lúa: do sân nền đất, đợi cho ráo
sân mới xúc lúa ra, tròi nắng đẹp nhất cũng phải ba hôm mới khén, khi
gặp mưa thì nháo nhào xúc đổ, xúc đổ trong nhà không có chỗ hở,
chỉ có lúa là lúa. Hơi lúa bốc lên, phải nói là “nồng nặc”.
Rơm là loại ưu tiên phơi trước bởi nó
là ngọn lửa nấu chín cơm canh. Rơm phơi khô có màu vàng tươi, thổi
đượm, nhiều tro, còn rơm phơi không kịp nắng màu đen xỉn, một ôm rơm to
nấu không chín nồi cơm. Quê ta không gần rừng nên củi là đặc biệt
hiếm. Nhà có trâu, rơm là thức ăn chính cho trâu. Lụt ngập đồng, trâu
ở trong ràn chỉ nhờ rơm. Trời rét không
rơm, trâu chết. Nghèo, giàu đều có “đụn” rơm. Xây xong được đụn
rơm mới thở phào nhẹ nhỏm. Nhà tôi
ngày xây đụn rơm thế nào cũng có một bữa “bún vịt”. Anh tôi giải
thích, xảy rơm cho xoắn lại như sợi bún, xây đụn mới chắc, mới tròn,
mới mướt như lông vịt, mưa không thấm vào trong.
Thiển nghỉ : Cơ giới hoá. Đặc biệt
hệ thống tưới tiêu làm cho đồng ruộng quê ta có cao độ “bằng nhau”;
giống lúa, thuốc diệt cỏ vân vân và vân vân. Ta có điều kiện chủ
động trong sản xuất
Nhàn
ra là cái chắc. Thay vì đôi tay chai
sạm quào cỏ để…đến hiệu làm đẹp sơn sửa móng tay. Ngon lành! Ngon
lành!
Email: nhuxuan29@gmail.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét