ảnh pho to Khoa |
http://hoangcongdanh.com/bao-chi/lat-lai-gia-pha-su-lang.html
Văn hoá làng quê Việt Nam thông dụng hơn cả là kiểu văn hoá truyền khẩu, một số nơi có kiểu truyền qua văn tự. Nhưng ở làng thường ít khi người ta dùng đến sổ sách văn tự, chính vì thế mà quá trình lưu truyền các sử tích làng họ bị mai một, sinh ra dị bản đáng tiếc. Tôi đã từng chứng kiến chuyện này ở làng mình, một làng quê ở Quảng Trị và xin góp câu chuyện để cùng trao đổi. Âu cũng là một việc làm hoà chung với tôn chỉ “chấn hưng nền văn hoá dân tộc”.
Trong tiến trình phát triển, xã hội có sự phân cấp giai tầng và phân chia lao động. Cũng như thế, trong dòng chảy văn hoá ngàn đời của làng quê Việt Nam có sự phân thứ cấp trong làng, họ tộc. Sự phân cấp này chính là khởi nguyên của chữ “Lễ”, mà cổ nhân từng dạy “tiên học lễ, hậu học văn”. Nói thế để thấy rằng tính thứ tự ở làng là vấn đề quan trọng và cần thiết phải được chuẩn hoá. Hai sự việc dưới đây cùng có chung một sự “rối” giống nhau về chuyện thứ cấp, tác giả xin thưa chuyện theo kiểu “từ trong nhà ra ngoài ngõ”. Bắt đầu bằng chuyện gia phả gia đình, sau đó đến chuyện của làng.
1. Chuyện gia phả
Cách đây mấy năm tôi ngồi biên lại gia phả cùng ông nội. Ông đã ngoại lục tuần, mắt mũi kém nên cậy việc này lại cho con cháu. Khi đối chiếu gia phả của hai nhánh (chi) trong dòng họ nhà mình thì xảy ra sự sai lệch một đời. Nghĩa là cũng một tên người đó nhưng ở quyển gia phả thứ nhất ghi “đệ bát thế” (đời thứ tám), quyển gia phả thứ hai lại ghi “đệ cửu thế” (đời thứ chín). Khi ấy tôi thắc thỏm hai nghi vấn, rằng có thể có hai người cùng tên ở hai đời kế cận, hoặc là một trong hai quyển gia phả ghi sai!.
Nghi vấn thứ nhất dễ dàng được bác bỏ vì ta biết rằng trong nguyên tắc đặt tên xưa nay của người Việt mình có một luật bất thành văn là không nên đặt trùng tên người trước. Khi người ta còn sống thì không sao, nhưng khi chết rồi thì nhất thiết không được gọi tên họ ra. Ví như chú tôi mất thì ông nội nhủ là gọi “chú dại!” chứ không kêu tên thật. Chính vì thế mà đặt trùng tên thì khi một trong hai người mất đi rồi sẽ rất khó xưng tên người còn sống. Cũng vì cái luật bất thành văn này mà mỗi lần nhà có sinh cháu thì ông nội đều lật lại gia phả xem để chọn một cái tên sao cho không trùng với người quá cố đi trước.
Để chắc chắn cho suy nghĩ ấy, tôi đối chiếu lại hai quyển gia phả, lật ngược lại và nhận ra một điều rằng “cả hai cuốn đều sai!”, hoặc “cả hai cuốn cùng đúng!”, hoặc “một cuốn đúng một cuốn sai!”, nói cách nào cũng đều có cái lí riêng.
Sự sai lệch bắt nguồn từ việc xưng cấp cho Ngài Thuỷ Tổ (người khai sinh ra dòng họ). Quyển thứ nhất xem người đầu tiên lập ra dòng họ mình là “Ngài Thuỷ Tổ” và không xếp đời, theo đó thì các con của Ngài Thuỷ Tổ được gọi là “Đệ nhất thế”. Quyển gia phả thứ hai nghiễm nhiên gọi Ngài Thuỷ Tổ là “Đệ nhất thế”. Và sự chênh lệch một đời xảy ra từ ngay những dòng đầu tiên của gia phả.
Chữ “Đệ” trong Hán-Việt có hai nghĩa là “học trò, em út” và “cấp bậc”.
Cùng đọc lại lịch sử Phật giáo, đấng giác ngộ khai sáng (Tất Đạt Đa) khi thành đạo rồi gọi là Phật (buddha). Còn các học trò của Ngài, các tín đồ sau này thì được gọi là “đệ tử”. Chữ “đệ” trong trường hợp này với nghĩa “học trò”. Người biên soạn quyển gia phả thứ nhất đã dùng chữ “đệ” theo nghĩa này, tức các con của Ngài Thuỷ Tổ gọi là “đệ nhất thế” còn Ngài Thuỷ Tổ thì không phân cấp.
Trong giới đao kiếm hay dùng thuật ngữ “đệ nhất thiên hạ” đối với các cao thủ võ lâm. Hoặc như hồi trước đi học có kiểu phân cấp lớp học là “đệ nhất”, “đệ nhị”, “đệ tam”, “tú tài bán”, “tú tài toàn”…. Khi đó thì chữ “đệ” được hiểu là “cấp bâc”. Và quyển gia phả thứ hai đã dùng chữ “đệ” với nghĩa này, tức người đầu tiên của dòng họ – Ngài Thuỷ Tổ – là cấp đầu tiên (“đệ nhất thế”).
Viết theo cách nào thì đúng hơn? Mỗi quyển gia phả đều có một cơ sở riêng cho cách viết và cả hai cách đều hợp lí. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết này thì nên viết theo quyển thứ nhất. Bởi một khi đã “phong thần” cho người đầu tiên khai lập dòng họ là “Ngài” thì không nên để “vướng tục” thêm một chữ “đệ”. Thống nhất cách gọi với Lịch sử Phật giáo Ấn Độ cũng là một cách đưa tiền nhân làng vào một phạm trù “văn hoá thần linh”.
Thật ra thì đây chỉ là chuyện trên giấy tờ văn bản. Mà ở làng người ta ít khi truy cứu đến giấy tờ, cứ theo nếp sống hằng ngày mà “truyền khẩu” nên sự sai lệch chỉ xảy ra ở trong gia phả, còn ngoài làng xóm thì vẫn xưng hô theo đúng thứ bậc. Đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, thiết nghĩ vẫn nên thống nhất một cách viết đối với tất cả các gia phả chi phái trong cùng một dòng họ để không phải xảy ra một sự nhầm lẫn đáng tiếc ở các đời con cháu về sau.
2. Chuyện sử làng
Cách đây mấy năm có một việc xảy ra ở làng khiến hai họ phải tranh cãi. Lúc đó họ Trần xây lăng cho Ngài Thuỷ Tổ họ mình, đến khi dựng bia đá thì ghi “đệ nhị khai canh”. Trước đó họ Hoàng cũng đã xây dựng lăng Ngài Thuỷ Tổ và dựng bia nhưng không ghi thứ cấp kiểu “đệ…” như trên. Bia đá họ Trần dựng lên thì có lời nhắc nhủ của một số người làng, bảo ghi như vậy là không chuẩn.
Làng có một cuốn sổ đặt thờ ở đình làng. Lật lại cuốn sổ này thì thấy có ghi tên họ ba Ngài Bổn Thổ xếp theo thứ tự “Nguyễn Quý Công Tôn Thần”, “Trần Quý Công Tôn Thần”, “Hoàng Quý Công Tôn Thần” và không có đệ nhất đệ nhị đệ tam gì cả. Người họ Trần căn cứ vào thứ tự trên và tự xếp Ngài Thuỷ Tổ họ mình là “đệ nhị khai canh”, cũng với cách ấy thì họ đã ngầm đặt Ngài họ Nguyễn là “đệ nhất khai canh” và Ngài họ Hoàng là “đệ tam khai canh”. Nhưng một số người làng lại không thừa nhận việc xếp phân cấp này và cho rằng việc làm của người họ Trần là sai!
Vậy phải lí giải thế nào về việc này? Ta bắt đầu từ văn ghi trong cuốn sổ làng để đặt một câu hỏi vì sao tiền nhân lại xếp thứ tự Nguyễn, Trần, Hoàng ? Có thể theo hai căn cứ sau đây.
Thứ nhất là theo thứ tự vào làng của ba Ngài mà phân ra, tức Ngài họ Nguyễn vào trước, sau đó đến Ngài họ Trần và Ngài họ Hoàng. Ngày trước đất đai thuộc dạng đất hoang, không thuộc về ai quản lí nên một mảnh đất nào đó có người đặt chân đến thì nghiễm nhiên xưng chủ. Nếu trong thế giới thần linh làng là “đất có thổ công sông có hà bá”, thì trong cõi người dưới luỹ tre xanh tôn phụng các Ngài khai khẩn khai canh như những chủ nhân.
Thứ hai là theo tuổi tác mà phân định. Tôi đưa ra giả thiết cả ba Ngài cùng vào làng một lần nhưng độ tuổi chênh lệch nhau. Ngài họ Nguyễn cao tuổi nhất, đến Ngài họ Trần và Ngài họ Hoàng thì trẻ hơn cả. “Kính lão đắc thọ” là một truyền thống ngàn đời trong văn hoá Việt mình. Có thể chính vì điều đó mà tiền nhân đã viết thứ tự ba Ngài Bổn Thổ là Nguyễn, Trần, Hoàng. Như ở làng, trong các lễ lược kỵ giỗ cưới hỏi có kiểu phân theo tuổi tác mà ngồi cho đúng thứ tự thì trong văn lưu làng viết theo một trật tự tuổi tác cũng là một cơ sở có lí.
Ngoài hai cơ sở trên, ta có thể đưa ra thêm một hướng suy nghĩ rằng thứ tự viết ấy chỉ là một sự ngẫu nhiên. Có thể tiền nhân không câu nệ thứ tự cấp bậc nên viết một cách tuỳ ý mà không cần căn cứ nào cả. Làng vốn trọng tình nghĩa, quý nhau bởi tấm lòng tấc dạ chứ đâu cần đến thứ bậc chước phẩm nên viết thế nào cũng được. Người ta hay bảo “thôi quan hoàn dân về quê tịch điền” là vậy!
Những căn cứ trên đưa ra như vậy để cùng trao đổi, cho đến bây giờ người làng vẫn chưa rõ vì sao có một thứ tự Nguyễn, Trần, Hoàng. Nhưng có điều chắc chắn là văn làng không phân định thứ cấp “đệ nhất” “đệ nhị” “đệ tam”, vậy thì con cháu sau này sao dám phong cấp cho các Ngài? Cái sự sai ở đây không chỉ riêng chuyện ai đệ nhất ai đệ nhị, mà là không chuẩn với văn sử của làng. Tiền nhân đã viết thế nào thì con cháu đời sau cứ theo đó mà biên lại. Rất mừng là cuối cùng thì văn bia của họ Trần đã được đính chính lại, đó là việc làm cần thiết nhằm tôn kính tổ tiên, cũng là cách cư xử hợp tình người sau luỹ tre làng.
* * *
Làng quê Việt Nam sẽ trường tồn mãi mãi, theo đó văn hoá làng cũng sẽ được bảo lưu qua thời gian. Dù thời đại có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn hằng tin luỹ tre có màu xanh, con sông có dòng chảy, con người có cội nguồn bản quán… Hãy cùng lật lai gia phả, sử làng để cho điều ấy trở thành một ý niệm thiêng liêng.
Minsk. 9/2008
Báo Quảng Trị 26/09/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét