Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

QUÊ MÌNH- HƯNG NHƠN!


Bài viết của ôn Nguyễn thanh Xuân ( 84 tuổi)
Rạng ngời Hưng Nhơn- Photo Khoa
Vóc dáng và Tâm hồn
người làng Hưng Nhơn
     
     Nhìn cơ ngơi làng Hưng Nhơn, người ta dễ nhận ra người khai sinh và hậu duệ của họ có tầm nhìn rộng và khoáng đạt. Không phải một sớm một chiều mà đã trải qua hơn 500 năm gây dựng, từ một vùng hoang vu đầy lau sậy, mênh mông nước và nước, nhờ có những tâm hồn nhạy cảm, dung hoà trong những diễn biến phức tạp của cuộc sống mới có được bức tranh quê hương hài hoà và lộng lẫy:
   Bước vào đầu làng:
-        Một nhà thờ, thờ các vị khai canh Làng.
-        Một ngôi chùa thờ Phật.
-        Một nhà thờ Thiên Chúa giáo.
-        Một nhà thờ Văn Thánh (còn phế tích).
Dọc con đường cái (duy nhất) cứ cách 30 – 50 m là nhà thờ của các Họ, các Nhánh.
   Đến cuối làng:
    Miếu thờ Ngài Võ Địch Đại Tướng Quân. Ngài là một trong ba anh em khai canh họ Nguyễn, họ xếp thứ hai khai canh Làng,
    Làng có một miếu thờ ngài Trần Quí Công (tục xưng Ngài Đèn), nhưng nay không còn (tôi chưa rỏ nguyên nhân)
    Phía sau, nơi xây hậu bạng làm luỹ “cây” kiên cố chống bão lũ bảo vệ cho khu dân cư. Đồng thời ở đó, xây một nơi thờ vong linh các cô hồn và cũng là tổ ấm của họ, có tên là Âm Hồn nhìn ra một vùng Nghĩa Địa của Làng để cô hồn thuận tiện :
Nghe gà gáy tìm đường lẫn trốn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
    Lôi thôi ẵm trẻ dắt già
             …………………
                       (Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du)

     Nhìn chung bức tranh làng ta thực hài hoà: ĐỜI- ĐẠO-ÂM-DƯƠNG một mối tương quan cộng đồng khăng khít, nương tựa nhau để vươn lên trong cuộc sống. Thật đáng tự hào!.
    
     Có được như trên, trước hết ta thấy nét gốc Văn hiến  đã có khi các ngài từ đất Hoan Châu Nghệ an vào lập làng và các hậu duệ điều chỉnh trong quá trinh sinh sống mà trong đó chính là các sĩ phu như ngài Võ Địch Đại tướng Quân, võ tướng phò tá Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng năm 1558; ngài Trần Quí Công :Tục xưng "Nghè Đèn"Thí Trung Văn Thức Hàn Lâm năm Ất Mùi – 1715. Ngài Thượng Thư Tuyết Quang Hầu: Nguyễn Đức Mậu (1); Ngài Thượng Thư Chính Trực Hầu: Nguyễn Đức Kỳ (2); ngài Bố chánh Nguyễn Đức Trứ; ngài Viên ngoại lang Nguyễn Đức Giản; ngài Tri phủ Nguyễn Đức Dĩnh…và bao thế hệ nho sinh, bao thế hệ chức sắc trong làng, đã để lại một bề dày trí tuệ, giữ nét đẹp văn hoá cộng đồng quê hương đáng khâm phục và tự hào với nhận định của Thượng Thư Dương Văn An cách đây gần 600 năm trong Ô châu Cận lục “Vĩnh Hưng có chí chuộng văn”.“Giáo hóa thịnh hoài!
      (1) (2) Dân làng gọi hai ngài là già Cha và già Ông đ nhớ ơn hai Ngài        nuôi dân làng Vĩnh Hưng (Hưng Nhơn) thoát khỏi nạn đói khủng khiếp năm     Giáp Ngọ 1774.

    Tôi lấy một việc làm rất nhạy cảm của các cụ Nho sinh, bô lão và dân làng:
     Cuộc CM năm 1945, nhà nước VNDCCH dùng chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ giao dịch trong nước cũng như quốc tế. Ngay  sau đó, các Cụ đã lập tức dịch các giấy tờ trước đây là chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, chú trọng trước tiên là Tộc phả, Gia phả . Tôi thiết nghỉ nếu không có trình độ Nho học cao như các ông Nguyễn Đức Hà, Nguyễn Đức Ngạn, Lê Văn Phổ, Lê Ngọc Ký, Nguyễn Đức Thâm, Trần Văn Châm… và những học trò học giỏi Quốc ngữ như Nguyễn Đức Phụng(Trịnh), Nguyễn Hữu Quế, Nguyễn Như Lãm, Nguyễn Đức Dương, Lê Văn Phố…Tập thể đó với tri thức phong phú, thông minh và nhạy bén đã khẩn trương dịch thuật chính xác chép ra chữ quốc ngữ rất tỉ mỉ công phu và chu đáo trong năm 1946..
     Cuối năm 1946 mặt trân Huế vỡ và chiến tranh liên miên, nếu không làm xong trong năm 1946 liệu biết khi nào làm được?. Nói để biết cho hay thôi: hiện nay có một số làng đang nhờ (thuê) Viện Hán Nôm làm việc này, bởi các cụ Nho xưa trong làng đã qui tiên cả rồi.

    Đối với vùng ta, khi tôi ở ngoài Bắc được biết là “vành đai trắng”, nghĩa là không một tấc đất không bị cày xới, không một ngôi nhà còn nguyên vẹn, mà thực tế phía VNCH đã làm như vậy, thế nhưng các bô lão cùng con cháu một lòng vì công đức cao dày của tiên tổ mà đã tìm cách cất dấu, di chuyển, bảo quản còn nguyên vẹn các tập gia phả, tộc phả và các sắc tặng của Triều đình của các ngài khai canh và các vị có công trạng với quốc gia.
  
     Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, quê ta ở trong thế cài răng lược và cả khi phân chia hai miền, dù “phải” hợp tác với bên nào, người dân hiền lành quê ta không có người “ác ôn”. Phải chăng tâm hồn hướng thiện đã được “gen” di truyền của cha ông để lại.
  
     Những cô gái làng nết na sáng, đẹp lấy chồng trong làng hay lấy chồng làng khác sao mà giống các cô gái làng khác đến làm dâu làng mình. Dáng e thẹn rụt rè ban đầu, khi đã có con và nhất là khi có cháu, họ nhảy lên làm chủ gia đình tự lúc nào, nội trị ngoại giao họ rất sành sỏi…Có thể nhờ vậy mà người đàn ông làng Hưng Nhơn và người đàn ông làng khác lấy vợ người Hưng Nhơn đều có dáng sang (giàu vì bạn sang vì vợ). Ví dụ như các mụ: mụ ấm Năm người làng lấy chồng Phước Tích, mụ cửu Liên người Hoà Viện lấy chồng Hưng Nhơn và mụ Thừa, mụ lý Thuỵ, mụ Lý Hà, mụ Thất Chiểu, mụ thất Cẩn, mụ cửu Kiến… nhiều thật là nhiều không kể hết! Các bà rất sắc sảo và đôn hậu.
.
    Chúng ta thấy rất rỏ hầu hết các chị có chồng đi tập kết ngoài Bắc đều kiên trinh ở vậy chờ chồng, nuôi con. Thương quá, những người chưa có con cũng đợi chồng suốt cả hai mươi mốt năm tuổi trẻ không tin tức. Biết lấy gì tri ân những tấm lòng vàng ấy hỡi Quê Hương?
  
    Nói gì thì nói, chiến tranh là đau thương, là nát tan, nhất là vành đai trắng quê ta. Ý thức rằng mất mát là không tránh khỏi. Sau khi thống nhất đất nước, với tính nhạy cảm và cần cù có sẵn, bà con đã đồng cam cộng khổ vượt qua những năm “bi đát” nhất, nhanh chóng ổn định, xoá nghèo và thực sự đang giàu lên! Đang giàu lên! Phải không quê ta ơi!.
  
     Xem xem: Hưng Nhơn, phía đầu làng( nối Văn Quỹ) trước kia có cầu (Cừa) nhưng bây giờ “chê” nhỏ, bắc cầu mới chịu trọng tải trên vài chục tấn, cuối làng một cầu bê tông vĩnh cữu bắc qua bờ Nam (Thừa Thiên Huế)  Không dám khoe với thành thị, khiêm tốn rằng: Có đường bê tông 4,5 m láng bóng, thẳng tắp đi sâu vào từng ngõ, từng nhà; Có trường cao tầng thu dụng hết con em đến độ tuổi đi học; Có nước sạch nông thôn; Có hố xí tự hoại; Đặc biệt có chợ đông đúc, hàng hoá thoải mái mua sắm, nhất là thức ăn : ăn sáng, mua sáng, ăn chiều, mua chiều, không dùng thức ăn hâm lại. (tuy là chợ Hưng Nhơn, Hải Hoà nhưng chung cho cả bờ Nam vùng Phong Điền, TTH, nên đông lắm, đông lắm!).
 
    Các tổ chức Chính quyền và Đoàn thể vững mạnh, các bô lão nhàn nhã trong y phục truyền thống chăm lo hương khói đền thờ miếu mạo, thiện nam tín nữ cũng như các tín đồ Thiên chúa giáo vui vẻ đến Chùa, đến Nhà thờ  niệm tâm tín ngưỡng. Thật là  tự do thoải mái và yên bình trong tâm tưởng.
    
    Con em ở làng như Nguyễn Như Khoa, Nguyễn Thị Thi Thơ và  các cháu người làng đang cư trú nơi xa... thường xuyên và kịp thời đưa hình ảnh và bài viết về quê hương, người làng dù ở xa đều được biết những đổi thay của làng mình, để phấn khởi và tự hào. Phần tôi rất hoan nghênh và cám ơn ba bạn, vì tuy ở xa nhưng biết ngày lễ Thanh Minh, ngày khánh thành cổng chùa, ngày Thanh niên tình nguyện đi Hải khê, TN tình nguyện ra đồng ruộng, ngày VTV do MC Quyền Linh tố chức “Vượt lên chính mình” v.v…
Khoe với bạn tôi đến chơi, họ thừa nhận : Hơn đây…hơn đây!.
Bất giác: “Thế mà mình phải xa quê!”.
                            Email: <nhuxuan29@gmail.com>

 Cảm khán của Blogger: Lời văn phóng khoán, mạch lạc; bút lực mạnh nhưng thanh thoát đầy tính nhân văn. Tác giả mang trong tâm mình một tình yêu quê hương da diết, day dứt. Tính lạc quan, yêu người, yêu thiên nhiên cảnh vật quê hương đã làm thành một luồng gió mát, len lỏi thâm nhập vào tận vùng sâu nhất của tâm hồn người đọc, gợi nhớ, gợi thương, gợi niềm khắc khoải !
Cảm ơn, cầu chúc Ôn an lạc ở cõi vĩnh hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét