Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

SĨ PHU BÊN DÒNG Ô LÂU (3)

Tượng Ngài Trần Văn Kỷ

Tư liệu copy và hiệu đính trênhttp://phongdien.thuathienhue.gov.vn/

Làng Vân Trình

Trần Văn Kỷ:  (陳文紀)  (chưa biết- 1801) Người làng Vân Trình. Cha là Trần Văn Hồng, đi lính làm suất đội trưởng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thụ. Thông minh, học giỏi, đỗ đầu khoa thi hương ở Phú Xuân năm 1777 thời Lê-Trịnh. Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, ông được tin dùng, làm đến Trung thư phụng chính. Cảnh Thịnh nối ngôi, ông vẫn được trọng dụng. Sau đó, Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, đày ông làm lính ở trạm Hoàng Giang (Phước Tích). Năm 1794, khi Võ Văn Dũng ổn định được tình hình, ông trở về làm Trung thư phụng chính, tước Kỷ Thiện Hầu. Ông đã gợi ý nhân dân vùng ven sông Ô Lâu trồng mưng, cừ chắn gió bấc. Khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, ông bị giam lỏng. Ngày 24/12/1801, ông tự trầm mình ở ngã ba Sình để giữ khí tiết. Lăng mộ ông ở Vân Trình đã được xếp hạng Di tích văn hóa- lịch sử Quốc gia.

Lê Nhữ Lâm (Lê Dự Lâm) (1881 – 1963): Quê làng Vân Trình, xuất thân ấm sinh, thi đỗ Cử nhân năm 1906 triều Thành Thái. Trải qua các chức thuộc quan, thăng lên đến Hàn lâm viện thị giảng và sung chức Giảng tập cho Hoàng tử Vĩnh Thụy. Đã theo Vĩnh Thụy sang Pháp trong suốt thời kỳ du học. Năm 1933, trở về nước, được bổ làm Tổng tài Quốc Sử quán, chỉ đạo việc biên soạn các phần tiếp theo của Bộ Đại Nam thực lục. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông trở về quê cư trú, sống bình dị mộc mạc giữa xóm làng, đến năm 1963 mới qua đời.
 Ông Lê Văn Hồ (92 tuổi), chủ quán cà phê đối diện với lầu Tứ phương vô sự (hoàng thành Huế) kể, ông kém vua Bảo Đại khoảng 2 tuổi. Ngày nhỏ ông nhiều lần được vào cung do có họ hàng với ngài Lê Dự Lâm (quê làng Vân Trình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), là thầy dạy chữ nho lúc vua Bảo Đại đang còn là hoàng tử.Khi hoàng tử Bảo Đại sang Pháp du học, thầy Lâm đi theo kèm cặp thêm chữ Nho. Khi về, ông Hồ nghe thầy Lâm kể lại chuyện hoàng tử Bảo Đại sang Pháp bị thu hút bởi những môn thể thao vận động, giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Về nước và lên làm vua năm 1932, vua Bảo Đại cho lập một trường đánh golf ở vùng đồi núi Dạ Lê (nay là phường Dạ Lê, thị xã Hương Thủy).
Làng Kế Môn  http://langkemon.com.vn/?p=1144         
 Cao Đình Độ (1746 – 1810) :( Làng Kế Môn) Quê gốc ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), vào Nam làm con nuôi một người thuộc họ Trần Duy làng Kế Môn. Học được nghề luyện vàng bạc, chế tác nữ trang của người Hoa, vào làm việc tại cuộc chợ vàng (Kim Tượng cuộc) của triều Tây Sơn. Đời Gia Long tiếp tục làm việc tại đây. Đã truyền nghề cho con và dân làng Kế Môn, làm cho dân cư Kế Môn nối tiếp được nghề truyền thống này. Ông mất ngày 07-02-1810, ông trở thành đệ nhất tổ sư của nghề kim hoàn xứ Đàng Trong.

     Cao Đình Hương (1773 – 1821): (Làng Kế Môn) đệ Nhị tổ sư nghề kim hoàn Thuận Hoá – Phú Xuân, nguyên quán làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá; khoảng cuối thời chúa Nguyễn, ông Cao Đình Độ đưa cả gia đình vào Đàng Trong sinh sống. Lúc đầu ông lập nghiệp tại làng Kế Môn, huyện Phong Điền, sau chuyển lên ở làng Cao Hậu, huyện Hương Trà gần bên kinh thành Phú Xuân, khi mất ông được phong Đệ Nhất tổ sư nghề kim hoàn.

Nối nghiệp cha, ông Cao Đình Hương cũng đã trở thành tay thợ giỏi, dốc sức luyện nghề và dạy lại nghề cho nhiều thế hệ học trò. Năm 1790, ông Hương theo cha vào kinh làm việc dưới triều vua Quang Trung: lập nên Cơ vệ ngành Ngân tượng. Ông được vua phong chức Phó Lãnh binh.

Dưới triều Gia Long, ông vẫn được nhà vua trọng dùng, giữ nguyên chức vụ, sau phong lên Lãnh binh … Năm 1821, ông Hương lâm bệnh qua đời, hưởng dương 48 tuổi, an táng trong khu nghĩa mộ cùng phụ thân Cao Đình Độ tại ấp Trường An. Được phong Đệ Nhị tổ sư nghề kim hoàn Thuận Hoá – Phú Xuân.

Hàng năm, những người thợ kim hoàn ở Huế lấy ngày 27 tháng 02 âm lịch làm ngày giỗ tổ.

Dưới triều Khải Định, các thế hệ học trò của hai ông đã xúm nhau lại lập nên nhà thờ tổ nghề kim hoàn. Hiện nhà thờ nằm ở phường Phú Cát, thành phố Huế. Nhà thờ này đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận di tich lịch sử quốc gia. 
Nguyễn Lộ Trạch (1853- 1898): (Làng Kế Môn) con của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai (1816 – 1876) – Tổng đốc Ninh Thái. Ông thông minh học giỏi, nhưng không theo đường khoa cử. Ông đọc được nhiều sách mới, từ đó chủ trương canh tân đất nước. Ngay từ năm 25 tuổi, ông đã gửi lên Triều đình bản điều trần Thời vụ sách thượng. Năm Năm 1882, lại dâng lên bản Thời vụ sách hạ. Năm 1884, lại cùng với Phạm Phú Đường dâng thơ lên các quan phụ chính đại thần. Cuối Thu năm này ông đã tập hợp các điều trần và thơ trên, đặt tên là Quỳ Ưu lục. Năm 1892, nhân kỳ thi hội có hỏi về thế giới, dù chẳng thi, nhưng nhân việc này ông đã viết bài Thiên hạ đại thế luận để cảnh tỉnh sĩ phu. Năm 1895, ông đi vào Phan Thiết, dự định cùng Trương Gia Mô xuất dương nhưng không thành. Trở về, ông đã bị bệnh và mất ở Bình Định vào ngày 17/02/1898 

       Trần Dĩnh Sĩ (1858 – 1914): nhà khoa bảng, người làng 
Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Trần Dĩnh Sĩ đỗ Cử nhân năm 1891, sơ bổ chức Giáo thụ phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1895, thi Đình ông đỗ Đình nguyên (Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp). Năm sau ông được thăng lên Hàn lâm viện Tu soạn sung chức Quốc sử quán Thừa biện. Ở chức vụ này, ông đã góp phần biên sọan một số tập của bộ Đại Nam Thực lục chính biên rất có giá trị. 

Năm 1897, ông được bổ dụng chức Tri phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sau thăng Thị giảng lãnh Thị độc Nội các. Năm 1909, triều đình ông cử đi Nghệ An làm Giám khảo khoa thi Hương, về được giữ chức Tham biện Nội các cho đến ngày hưu trí. 

Ông là một trong hai người quê ở Thừa Thiên Huế đỗ cao nhất trong các kỳ thi Đình thời Nguyễn. 

Nhận xét về phong cách thời đèn sách và lều chỏng của ông Trần Dĩnh Sĩ, bạn thân và đồng hương với ông Nguyễn Lộ Trạch, tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng qua bài viết đăng trên báo Tiếng Dân số 424 ra năm 1931 có đoạn ghi sau: “Tiên sinh (chỉ Nguyễn Lộ Trạch) có người bạn học cũng đồng hương, học giỏi có tiếng, lúc học thân nhau, sau ông kia đậu Hoàng giáp, xem bộ đắc ý”. 

Khi ông đỗ, dân làng Kế Môn đi đón, có câu đối rước mừng tân khoa vinh qui bái tổ: “Kế Môn nghinh Hoàng giáp/ Trần tộc chiếm Đình nguyên”. 

     Hồ Tá Bang (1875-1942) 
 Quê làng Kế Môn, Phong Điền, người có công xây dựng trường Dục Thanh, Phan Thiết, nơi Bác Hồ từng dạy học.
Khoảng tháng 8 năm 1910, Hồ Tá Bang cùng Trương Gia Mô đưa con của bạn (Nguyễn Sinh Sắc) là Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào Sài Gòn tìm đường sang Pháp .
Năm 1911, Nguyễn Trọng Lội qua đời, Hồ Tá Bang thay thế ở chức vụ Tổng lý (tức Giám đốc) công ty Liên Thành. Ông đã khéo léo xoay xở để đưa công ty vượt qua quãng thời gian khó khăn, lúc phong trào Duy Tân bị đàn áp và công ty bị liên tục gây khó dễ.

Năm 1917, Nguyễn Quý Anh được bầu làm Tổng lý, Hồ Tá Bang đảm nhiệm Nghị trưởng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị) và chính thức dời Tổng cuộc vào Chợ Lớn để phát triển việc kinh doanh.

Theo tài liệu, thì Hồ Tá Bang đã tham gia điều hành trường Dục Thanh (đóng cửa năm 1912) và công ty Liên Thành gần 30 năm.

Năm Quý Mùi (1943), Hồ Tá Bang mất, thọ 68 tuổi, được an táng tại đồn điền của ông cách thị xã Phan Thiết (nay là thành phố Phan Thiết) hơn 10 km.

Trước khi mất ông có câu đối khắc ở sinh phần:
 Sinh vi nô lệ sinh do tử
Tử hữu tinh thần tử nhược sinh.

Nghĩa là:
 Sống làm nô lệ sống như chết
Chết có tinh thần chết như sống.

Tư cách và đức độ của Hồ Tá Bang được nhân dân và sĩ phu kính trọng. Sinh thời, ông có sáng tác văn chương. Thơ văn ông thấm đượm tinh thần yêu nước, tiêu biểu là bài "Tế thủ tiền lỗ văn" (văn tế bọn bo bo giữ tiền) đăng trên báo Lục tỉnh tân văn số ngày 24 tháng 3 năm 1908Sài Gòn. Con ông là bác sĩ Hồ Tá Khanh cũng là một nhân sĩ. Năm 1945, Hồ Tá Khanh giữ chức vụ Bộ trưởng trong Nội các Chính phủ Trần Trọng Kim.
    
Hồ Tá Khanh (1908 - 1996) là bác sĩ y khoa, từng giữ chức bộ trưởng bộ kinh tế trong nội các Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam vào năm 1945.
Hồ Tá Khanh nguyên quán ở làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, (nay là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ông sinh ở Phan Thiết năm 1908.

Xuất thân trong gia đình truyền thống Nho học, thân phụ của Hồ Tá Khanh là ông Hồ Tá Bang (1875 - 1943), một nhân vật có đầu óc duy tân, cải cách, Tổng lý công ty Liên Thành. Bố vợ ông là Nguyễn Quý Anh (1883 - 1936), người tổ chức và điều hành Trường Dục Thanh ở Phan Thiết.

Thuở nhỏ Hồ Tá Khanh đi học ở Sài Gòn. Năm 1926, vì tham gia lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh, ông bị đuổi học và sang Pháp. Khoảng năm 1929, Hồ Tá Khanh đỗ tú tài và được nhận vào học ở Đại học Y khoa Paris. Ông tốt nghiệp với bằng bác sĩ.

Năm 1938, Hồ Tá Khanh về nước mở phòng mạch tư, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội tại Sài Gòn trong nhóm các ông Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Tạo...

Năm 1942, ông cùng các bạn văn thành lập báo Văn Lang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Năm 1945, ông được học giả Trần Trọng Kim, thủ tướng chính quyền Đế quốc Việt Nam, mời tham gia nội các với chức vụ bộ trưởng bộ kinh tế.

Sau Cách mạng tháng Tám, nội các Trần Trọng Kim từ chức, Hồ Tá Khanh về sống ở Phan Thiết.

Năm 1946, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ra miền Bắc làm việc, nhưng ông không nhận lời. Cao ủy Pháp ở Đông Dương Bollaert cũng mời ông giữ chức vụ trong chính phủ Nam Kỳ, nhưng Hồ Tá Khanh cũng từ chối và sang Pháp.
Những năm 1950, ông làm việc tại châu Phi.
Sau những năm 1960, Hồ Tá Khanh về hưu, sống tại Pháp cho đến ngày qua đời ngày 18 tháng 8 năm 1996 tại Paris, Pháp. Thi hài ông được hỏa táng, tro cốt được đem về thờ tại nhà lưu niệm Hồ Tá Bang ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

    Nguyễn Thanh Oai: Quê ở Kế Môn, thân sinh Nguyễn Lộ Trạch, đỗ Tiến sỹ thời Nguyễn. 

Làng Phước Tích http://langcophuoctich.com/
             Hoàng Minh Hùng (Thế kỷ 15): Vị Khai canh và tổ nghề gốm làng Phước Tích, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, quê gốc ở làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cuối năm 1470 đầu năm 1471, ông tham gia chinh phạt quân Chiêm Thành lập nhiều công trạng được vua Lê phong tặng “Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Chỉ huy sứ Quảng Trị, Phó tướng Hoàng Minh Hầu”.

Sau chiến thắng trở về, ông được lệnh nhà vua tuyển mộ dân binh Nghệ An, đưa vào Thuận Hoá lập nghiệp. Gia phả họ Hoàng ở đây ghi lại: “Đời Lê Thánh Tôn…ngài thỉ tổ họ Hoàng là Hoàng Minh Hùng tục gọi là Nồi nguyên quán làng Cảm Quyết, tỉnh Nghệ An, thân chinh đánh đuổi Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đi xem xét, bao chiếm địa phận từ khe Trăn, khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau đó chiêu tập nhân dân thành lập làng xã”… Đồng thời ông đã đem nghề gốm truyền dạy cho dân làng làm kế sinh nhai, và chính nghề này đã đưa vị trí ngôi làng Phước Tích “không một mảnh ruộng” nổi tiếng khắp đất nước.

Làng Mỹ Xuyên
        Nguyễn Văn Cao (thế kỷ XIX):  Quê gốc Thanh Hóa, là thợ cả giỏi về nghề chạm, nghề mộc, bịt trống, khảm cẩn, được tuyển vào làm ở Mộc tượng ty ở Kinh thành Huế dưới thời Minh Mạng. Con trai của ông là Nguyễn Văn Thọ tiếp tục nghề nghiệp gia truyền, lấy vợ thuộc dòng họ Lê Độ ở làng Mỹ Xuyên. Khi mãn hạn dưới triều vua Tự Đức (1848-1883) hai cha con trở về định cư tại làng Mỹ Xuyên và truyền nghề cho trai tráng trong làng, trở thành hai vị Tổ sư của nghề mộc chạm Mỹ Xuyên.


Làng Vĩnh An

        Nguyễn Quang: Quê ở Vĩnh Cố (nay là Vĩnh An), xã Phong Bình, từng giữ chức Tri phủ Hoài Nhơn, nỗi tiếng thanh liêm, được ghi trong mục Văn giai của sách Ô Châu cận lục (1553).

Chùa Ưu Điềm
Làng Ưu Điềm http://languudiem.com/

      Nguyễn Duy Năng (1534- chưa biết): Là một trong các vị tổ mở mang dòng họ Nguyễn Khoa làng Ưu Điềm. Năm 1574, ông đăng ký quê gốc là làng Dĩnh Uyên, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Mạc. Làm quan Thừa chính sứ, thăng lên Trấn quốc đại tướng quân. Đây là vị Tiến sĩ khai khoa của quê hương Phong Điền.

           Nguyễn Đăng Đàn (thế kỷ XVIII): Còn có tên là Nguyễn Đăng Tường, tự là Thuần Nhất, hiệu Bất Nhị, người làng Ưu Điềm. Từ bé vốn thông minh, học giỏi, nhưng không thích khoa cử, có tiếng giỏi về lý số và binh pháp. Tính tình điềm tĩnh, ưa làm điều thiện, không thích vinh hoa danh lợi. Đời chúa Nguyễn Phúc Hoạt (1738 – 1764), ông lấy tư cách là thường dân, đến triều đình dâng bản kế sách bằng chữ Nôm, đại ý nói: người làm vua chúa nên lấy việc cầu hiền tài, nghe lời can gián là trên hết. Chúa khen lời nói đúng đắn, thiết thực, muốn mời vào bổ quan, nhưng ông từ chối, vẫn tiếp tục nghề dạy học, làm nhà ở núi Thanh Thủy, học trò có đến vài trăm người, phần nhiều thành đạt. Đến lúc 70 tuổi, ông vẫn bền chí đức hạnh tốt đẹp, người đời kính trọng, tôn xưng là Siêu Quần tiên sinh (bậc thầy hơn người).
      Nguyễn Đăng Trường cháu nội Nguyễn Đăng Đàn làm quan tham tán đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (17656 – 1777), ngăn quân Trịnh ở sông Bồ thất bại, năm 1766 vượt biển vào Nam và bị Nguyễn Huệ bắt, đối xử tốt đẹp, muốn trọng dụng, nhưng ông từ chối. Tại Sài Gòn năm 1777, khi quân Nguyễn Huệ đánh vào bắt được, ông mới bị hành hình. Nổi tiếng là người trung nghĩa với chúa Nguyễn. 
         Nguyễn Hữu Hào (thế kỷ XIX): Trước tên Nguyễn Hữu Văn, người làng Ưu Điềm. Thi đỗ cử nhân năm 1841. Đã từng làm Tri huyện Nam Chân. Về sau làm Biện lý Bộ Lại, bị lỗi phải bãi chức. Trong thời gian làm Tri huyện Nam Chân có sưu tầm những chuyện dân gian truyền kỳ ở vùng này, viết thành Nam Chân tạp ký (ghi chuyện vặt ở Nam Chân) (nay thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định), gồm 16 chuyện rất ngắn có tính chất hoang đường. Ngoài ra, ông còn có tập thơ Nam Chân lục vịnh.

Làng Thế Chí Tây

             Cao Hữu Dực (1799 – 1858): Còn có tên là Cao Hữu Bằng, người làng Thế Chí Tây. Thi đỗ cử nhân khoa 1825. Năm sau làm Hành tẩu phòng văn thư. Năm 1833, làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Thự bố chính, có công. Năm 1837, được chọn làm Thị lang Bộ Binh, sung Hiệp tán ở Trấn Tây. Từng dâng sớ điều trần các việc trị an nơi đây. Năm 1840, tình hình biến động, ông bị gián làm Viên ngoại lang Bộ Binh, vẫn giữ công việc Hiệp tán. Năm 1841, quân triều đình rút khỏi Trấn Tây, ông về làm Bố chánh An Giang, rồi bị truy lỗi, giáng xuống Tư vụ nhưng lãnh Án sát An Giang. Năm 1843, đổi về Gia Định rồi thăng Thự Tuyên phủ sư Tây Ninh. Ông đã chiêu dụ người dân Khmer an cư, lập ấp, cấp cho họ trâu bò, nông cụ để giữ vững biên cương. Năm 1845, được về kinh thăng hàm thị lang Bộ Binh, làm Thự tuần phủ An Giang, rồi Tuần phủ Hà tiên. Năm 1852, thăng Thự Tổng đốc An Hà, đóng góp nhiều công sức trong việc chiêu dụ nhân dân yên ổn làm ăn, trồng trọt. Năm 1859, ông lâm bệnh và mất tại chức. Vua truy tặng Hiệp biện đại học sĩ, sai đưa quan tài về quê và cử quan đến tế.

Con Ngài là
       Cao Hữu Sung làm quan đến Tuần phủ hưu trí.
 Cháu nội Ngài là
       Cao Hữu Lương đỗ khoa thi hương. Đây cũng là một vọng tộc ở làng thế Chí Tây.

Làng Vĩnh Xương 
http://langvinhxuong.com/
Trần Gia Chiếu ( đời thứ 12 ) , năm Minh Mạng thứ 13 , ngài Trần Gia Chiếu giữ chức Chủ sự ty Bộ Công , lĩnh Tri bộ Thủy quân và được vua Minh Mạng phong tặng Tư Thiện Đại phu , Lễ bộ Thượng thư ; 
Trần Gia Minh ( đời thứ 13 ) được vua Thành Thái bổ nhiệm các chức vụ Tổng đốc 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên , Tổng đốc Nghệ An , Tổng đốc 2 tỉnh Hà Giang và Yên Bái , Tổng đốc 3 tỉnh Sơn Tây , Hưng Hóa và Tuyên Quang , năm 1888 ngài được vua Đồng Khánh giao quyền trông coi Nha kinh lược sứ Bắc kỳ, do có nhiều công lao đóng góp cho đất nước và được triều đình kính trọng , vua Thành Thái phong tặng danh tước Đông các Đại học sĩ 
đình làng Vĩnh Xương

2 nhận xét:

  1. Xin được liên hệ học hỏi kiên thức lịch sử quê hương.
    Lịch sử vùng đất chiêm thành.
    Tôi đã tìm nhiều mà không thấy.
    oraovat@yahoo.com.vn
    anh có tai liêu nao chia sẻ giúp nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn đã ghé thăm, anh ơi!các tư liệu trên blog này tôi nhận được từ nhiều nguồn: Chuyện kể trong gia tộc, họ, làng...Sách lịch sử xuất bản xưa- nay, nguồn trên internet...
      http://www.mediafire.com/?w1trzda32q67y
      http://www.lichsuvn.info/forum/
      http://www1.thuathienhue.gov.vn/portal_ge/Views/Default.aspx?OneID=7
      .....
      Sẽ dành thời gian sẻ chia với anh sau!

      Xóa